Album ảnh

PHÁC THẢO VỀ NGUYỄN TRÍ


CẬP NHẬT NGÀY: 1 THÁNG MƯỜI HAI, 2022 LÚC 07:32

Vanvn- Có thể nói Nguyễn Trí xuất hiện trên văn đàn khá muộn, khi tiến trình đổi mới văn học Việt Nam hiện đại đã được định hình. Nhưng anh xứng đáng là đại diện cho một khuynh hướng văn học trong khoảng thời gian 2012 – 2022.

Từ cuốn sách đầu tay “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” được NXB Trẻ in năm 2012, ẵm ngay giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2013, Nguyễn Trí ào ạt tung ra liên tiếp những cuốn sách mới và đều được bạn đọc đón nhận trân trọng, anh cũng được kết nạp làm Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Công lao ấy phải kể đến “bà đỡ mát tay” – nhà văn Hồ Anh Thái, từ năm 2009 đã tỉ mẩn biên tập cho từng truyện ngắn rời và đề lời giới thiệu cho bạn đọc biết đến một Nguyễn Trí như một nhà văn thứ thiệt: “văn chương của Nguyễn Trí là kiểu hấp dẫn nhờ một đời sống thực và cần được nghe thêm bồi đắp từ những người đã nếm trải thực”.

Nguồn năng lượng nào cho một người trong vòng 10 năm cho ra đời liên tiếp 18 đầu sách như Nguyễn Trí? Sách ra không phải cho vui, mà như hối hả kể lại những gì trải qua trong đời mình, sợ rằng một mai không có dịp kể chăng? Đâu chỉ thuần túy kể chuyện, mà Nguyễn Trí đang sống lại chuỗi ký ức gắn với thời đại đầy biến động, tạo nên bao sóng gió thăng trầm trong cuộc đời anh. Trong các tác phẩm ấy, có lẽ chắp nối lại cũng hình dung phần nào về con người nhà văn: một “tuổi thơ không có cánh diều” phải lưu lạc nhiều vùng, dọc ngang vật vã với đời, Minh Trí thành một Minh Tàn rồi tự nhận hỗn danh “Trí Khùng” trong cuốn tự truyện.

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi…

Đi mãi rồi gã giang hồ cũng dừng chân, và mười năm nay, gã kể chuyện. Người ta nghe gã “kể chơi” ròng rã như nghe nghìn lẻ một đêm, và thật sự bị cuốn vào vòng xoáy đời sống, vui buồn khóc cười cùng nhân vật của gã. Cái ngang tàng bụi bặm của một anh trai Bình Định thuở nào cộng với cách sống đậm chất nghĩa hiệp của anh hai Nam bộ, vị tân toan của đời hằn trên gương mặt “cô hồn” lại tuôn chảy dòng văn hòa nhịp với đời thường, người ta nghe chuyện và gặp mình trong đó. Vẫn còn đâu đó chút chất chơi, dù chủ nhân từ lâu đã hết “quota” rượu chè, đổ bác, hút xách (còn cái khoản thứ tư trong “tứ đổ tường” thì …chịu, vì nó tế nhị, thường là cái cuối cùng cho mấy cha nói dóc bản lĩnh đàn ông!). Cũng lạ, sau khi đi qua tất cả đau thương cuộc đời, sứt mẻ kha khá mà còn đam mê viết lách, “mê cháy bỏng” như gã nói, thì đúng là Trí Khùng giữa cái thời thiên hạ đều tỉnh táo chứ gì nữa!

Coi, chuyện kể của một dân chơi có gì mà hấp dẫn người ta thế?

1. Văn Nguyễn Trí trên tiến trình đổi mới văn học       

Có thể nói Nguyễn Trí xuất hiện trên văn đàn khá muộn, khi tiến trình đổi mới văn học Việt Nam hiện đại đã được định hình. Nhưng anh xứng đáng là đại diện cho một khuynh hướng văn học trong khoảng thời gian 2012 – 2022. Xuất hiện trên văn đàn nhờ sự đỡ đầu của Hồ Anh Thái – nhà văn có biệt tài phát hiện giọng văn mới, rất nhanh chóng Nguyễn Trí đã khẳng định được mình ở giọng văn kể chuyện không trộn lẫn, với không gian cũng rất đặc trưng và thời gian bao quát được một giai đoạn đầy biến động của đất nước: miền Trung, miền Đông Nam Bộ; những năm cuối của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ, những năm khốn khó trong nền kinh tế bao cấp, giai đoạn chuyển mình khốc liệt sang nền kinh tế thị trường. Anh không đóng vai trò của một người chép sử, mà chính là chứng nhân, là sản phẩm của thời đại. Cũng hiếm có ai đi qua bao thăng trầm mà vẫn kiên nhẫn nuôi giấc mộng văn chương từ thuở hoa niên. Anh tập trung bút lực vào hai thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết, tuy nhiên chất truyện ngắn lấn át và chiếm lĩnh cả không gian tiểu thuyết theo kiểu phân đoạn chương hồi hiện đại.

May mắn hay không khi anh không được đào tạo bài bản “dưới mái trường xã hội chủ nghĩa” hay con đường học vấn của anh đứt ngang giữa chừng không đủ để vỗ ngực ta dân Tú tài bán, Tú tài toàn bụng đầy chữ nghĩa, xổ tiếng Anh như gió kiểu mấy trí thức “triều cũ” tiếc nuối thời vàng son. Khi vừa kịp trưởng thành và bị ném vào đời, gia tài văn chương của Nguyễn Trí có lẽ chỉ là mấy bài thơ, tản văn viết trong các tập san học trò không còn lưu dấu tích. Cái thời bao cấp có lẽ vốn liếng văn chương là những gì còn lưu giữ trong cậu học trò trung học đệ tam cấp mê lời giảng của các ông bà giáo dạy Việt văn uyên bác vốn cổ, là những tác phẩm Kim Dung, Cổ Long… thời đó chuyền tay nhau tả tơi trang đầu trang cuối, là những “văn hóa phẩm độc hại” còn sót lại sau những cuộc truy quét. Chút vốn liếng của văn học sau 1975 có lẽ anh cũng chịu khó tìm đọc, sau khi đã tạm yên ổn qua ngày tháng bụi bặm lăn lóc, hoặc được cung cấp để cán bộ giáo dục dân “lao cải”, mà với một kẻ thèm đọc thèm viết lại thành tư liệu để kiểm chứng với đời sống thực anh phải nếm trải. Cho nên nhìn vào tác phẩm Nguyễn Trí, sẽ không có những trăn trở chuyển hướng từ “khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn cách mạng” sang “cảm hứng thế sự, nhân sinh”. Truyện Nguyễn Trí thuần túy là chuyện đời, tự kể hay hồi ức, có hư cấu nhưng rất gần với dòng văn học “non – fiction” (không hư cấu) được người đọc hiện nay ưa thích. Xuất hiện trong thời điểm người đọc còn thòm thèm sau Mùi Cọp (Quý Thể), Tấm ván phóng dao (Mạc Can), Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư), truyện và tiểu thuyết của Nguyễn Trí hướng về đại chúng với chuyện về giới giang hồ, đồ tể, ăn bay,… một phần thỏa mãn trí tò mò về những góc khuất những mảng tối của cuộc sống chưa từng được biết, nhưng cũng là cách anh trả ơn cuộc đời, viết để nhìn lại và giúp mọi người hiểu trong bùn có sen, trong tuyệt vọng vẫn có lý do để người ta hi vọng, vươn lên.

2. Không gian chuyện kể của Nguyễn Trí

Ở một góc nhìn về sáng tác của nhà văn, để tìm hiểu tư tưởng nghệ thuật của tác giả, theo cách tiếp cận của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, cần chú ý dấu ấn tuổi thơ của tác giả. Nguyễn Trí có tuổi thơ gắn với Bình Định, nơi giao tranh ác liệt của hai phe từ khoảng thời gian 1964 – 1972, lại là con của một lính cộng hòa đòn trú nhiều nơi. Tuổi thơ chỉ có niềm vui đọc sách là đáng giá, đủ để quên những nỗi ám ảnh chết chóc, chiến tranh. Nhưng cũng từ “Tuổi thơ không có cánh diều” này, niềm đam mê đọc sách đã biến thành nỗi oan khuất đầu đời với trận đòn của cha đẩy anh ra cuộc sống lề đường, tiếp xúc với các thành phần bất hảo của xã hội cuối cuộc chiến: lính tráng, lưu manh trộm cướp, xì ke gái điếm…Cuộc chiến tàn cũng là lúc cuộc chiến cơm áo gạo tiền lôi tuột anh vào rừng sâu núi thẳm, sống cuộc đời “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Cứ thế mà phiêu dạt chốn thâm sơn cùng cốc mà lại không làm ẩn sĩ, bởi có hàng vạn người như anh lầm lũi trong hành trình khốn khó, liều lĩnh và bất cần đời. Qua tuổi “tri thiên mệnh” mới chính thức cầm bút như một nhu cầu phải viết, hối hả như kiểu H. Banzac viết bộ Tấn trò đời. Cuộc đời phiêu dạt trả lại cho anh đôi bàn tay trắng cùng gánh nặng gia đình tiếp tục đeo bám chữ “nghèo” như một nghiệp dĩ, duy nhất giàu là những chuyện kể như nghìn lẻ một đêm, lai rai không biết bao nhiêu cuộc rượu, cũng chẳng tham vọng gì lớn,  mua vui cũng được một vài trống canh…

Tính chất tự truyện chiếm phần lớn các trang viết của Nguyễn Trí, anh hóa thân vào phần lớn nhân vật của mình để tham gia vào những biến cố, kể lại rành mạch bao chà xát của đời lên phận người. Anh là một người kể chuyện giỏi, hoạt ngôn và phóng túng, không câu nệ trong cách dùng từ, đặt câu chỉn chu như phần lớn nhà văn chuyên nghiệp. Có chuyện là kể, chuyện nọ có thể vắt sang chuyện kia, phá vỡ các lý thuyết về kết cấu truyện, xây dựng tình huống, tạo dựng tâm lý nhân vật. Nhưng không có nghĩa là ẩu bưởng, thích gì kể nấy, vẫn có một mạch xuyên suốt trong các chuyện kể của anh, khi lách qua một rừng những sự kiện ập đến với nhân vật, bóc tỉa các mối quan hệ phức tạp chồng chéo trong đám đông giữa các không gian xô bồ, nhốn nháo, chụp giật tranh cướp. Nhân vật của anh thường có một chuỗi những đụng độ va chạm với đời sống, trải qua các miền đời “nơi thì lừa đảo, nơi thì xót thương”, vẫy vùng vượt lên nghịch cảnh để vươn lên làm một người bình thường; loại nhân vật thứ hai là kiểu người sống bất chấp, bất cần, và trượt dài trên hành trình tha hóa, trả giá cho những việc làm của mình, như một tiên nghiệm nhân – quả, với những kết cục tất yếu có thể dễ hình dung. Phần lớn các nhân vật đều có một nét éo le, bất ngờ trong số phận, bị xô dạt vào tâm xoáy bão đời, bị dồn đẩy vào ngõ cụt, luôn phải sống trong cảm giấc bất an của cuộc sống dưới đáy, ngoài vòng pháp luật hoặc thuộc về một thế hệ đánh mất (the lost generation – thuật ngữ của văn học phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ Nhất về lớp người mất niềm tin vào thực tại khi trở về sau chiến tranh). Thế giới nhân vật của Nguyễn Trí đa dạng nhưng có thể tìm thấy mẫu số chung: phần lớn họ không được ưu ái của định mệnh, của thời cuộc. Có những kẻ thuộc “triều cũ” – như cách nói cửa miệng của dân gian, có những thành phần cơ bản đã dấn thân vào cuộc chiến đấu của dân tộc thống nhất đất nước hoặc bảo vệ biên giới, từ cuộc chiến trở về với rất nhiều đổ vỡ, họ ít nhiều đều dính dáng đến nhưng thói tệ của con người, sống vi nhau bằng giành giật tranh cướp, mưu toan, thủ đoạn…

Giữa đủ hạng người đó, luôn xuất hiện một Minh Tàn, Minh Bụi, Hùng Tàn, Trí Khùng, Năm Già… đủ từng trải để nhận diện, đủ lọc lõi để đối phó, đủ khôn ngoan để thoát hiểm, dại mà không khờ để đủ ngộ ra chân tướng từng người khi lộ diện. Đặc điểm của nhân vật này là đọc nhiều, hay suy tư dằn vặt, luôn sẵn sàng trong tư thế “đi với ma mặc áo giấy” nhưng cuối cùng luôn hướng thiện, phục thiện. Ngang tàng có thừa, nhưng khi cần thì nhũn nhặn lịch sự trước các đàn anh hổ báo, quan quyền thầy chú. Thế giới nghệ thuật của Nguyễn Trí có nét hoang dã giống dân Mỹ thời các cao bồi đấu súng, cưỡi ngựa rong ruổi trên đường chinh phục giấc mộng vàng – có đầy đủ Thiện – Ác – Tà (tên một bộ phim nổi tiếng của miền Viễn Tây). Bên cạnh đó lại pha trộn chất kiếm hiệp Kim Dung với thanh lâu, tửu quán in dấu chân của hắc đạo – bạch đạo, uống rượu như hũ chìm và ngất ngưởng ngạo nghễ trong các cuộc tỉ thí, phút trước đánh nhau vỡ đầu phút sau đã cạn ly gọi nhau hảo bằng hữu! Mạch chuyện kể của Nguyễn Trí nhiều khi là những gì anh trực tiếp nếm trái đắng, đặc biệt là những sáng tác ban đầu của anh; chuyện về sau là của bao giang hồ thứ thiệt anh từng gặp trên hành trình mưu sinh khốn khó. Mỗi người mỗi cảnh, đều được kể bằng một giọng tỉnh rụi, dẫu sự thực tàn nhẫn khủng khiếp đến mấy cũng khó làm cho anh đổi giọng, có lẽ vị tân toan đếm đủ, máu và nước mắt của chính anh đã đổ không ít lần, để không còn run rẩy trong câu chữ uất nghẹn hay cảm thương. Anh không có cái kiểu viết giật gân câu khách, cố tỏ vẻ như một số cây bút lấy viết lách để thể hiện ta đây cũng sành sỏi lắm. Anh cũng chẳng cần thận trọng ngòi bút để “tự trói mình” như thế hệ nhà văn được giáo dục “hồng và chuyên” để gọt đẽo nhân vật của mình an toàn theo một mẫu hình nào đó. Cứ khề khà, “kể nghe chơi…” với đúng thứ ngôn ngữ khi trà dư tửu hậu, chuyện nọ nối chuyện kia, “mua vui cũng được một vài…” cữ sương sương. Nhưng nghe chơi mà nhớ lâu, mà thảng thốt, mà bàng hoàng, mà kinh khiếp, mà giật mình vì cái gã kể chuyện kia nhiều khi như biết tỏng gan ruột người khác, phơi tuốt luốt trên trang giấy. Mà “ta bà” khoái vụ gì, nếu không phải là “Tình, Tiền, Tù Tội”, là “tứ khoái”, là đủ thứ “ma bùn, lưu manh”, những “mánh” những “chiêu” những “bài” qua người kể chuyện hấp dẫn nghe thâu đêm suốt sáng vẫn “đã lỗ nhĩ”…? Vốn liếng đời sống, trải nghiệm văn hóa đâu mà lắm vậy? Thì gã tích lũy quan sát, ghi nhớ và xài đi xài lại kiểu mấy ông già xưa nói thơ hát thơ Vân Tiên, vui vui thì nói trạng, kể tiếu lâm kiểu bác Ba Phi cho đỡ buồn. Chữ nghĩa thì đời nói sao tui thuật lại vậy, có chêm xen đưa đà đưa cay thì cũng là chuyện nhỏ, mấy đứa nghe chẳng còn “rành sáu câu” hơn hay sao? Chừng nào đời còn nhiều chuyện thì Nguyễn Trí vẫn còn kể mãi không ngưng!

3. Dòng đời trong văn Nguyễn Trí

Dân chơi phải có chất – ấy là giang hồ đồn. Và cái chất dân chơi trong chuyện kể của Nguyễn Trí gắn với các đề tài sở trường bất đắc dĩ của anh: cuộc sống của đám trẻ trong vùng cài răng lược Bình Định 64 -72 – tuổi thơ không có cánh diều, cuộc đời của đám lưu manh sống bám vào chiến tranh như hệ quả tất yếu của “bên thua cuộc”, số phận phiêu dạt bất định của lớp người sau 1975, cuộc sống bất cần đời của dân tứ xứ 39 tỉnh thành ở “Bãi vàng, đá quý , trầm hương”, nghề đồ tể, bán vé số, chạy xe ôm, ma cô, gái điếm; nghề giáo hợp đồng, cuộc sống công nhân ở các khu công nghiệp…

Trước khi dấn thân vào cuộc sống lưu lạc giang hồ, tuổi thơ của Nguyễn Trí cũng in đậm những lần luân chuyển theo gia đình ở các khu gia binh. Từ Tân Cảnh, Kontum xuống Bình Định, vùng cài răng lược với những cuộc giao tranh ác liệt của quân chủ lực Mỹ và bộ đội, từ Đệ Đức, Bồng Sơn về Phú Tài. Những đứa trẻ lớn lên đã phải quen với mùi thuốc súng, chơi với thuốc súng và nếm trải cả nỗi đau mang mùi đạn bom… Cảm giác bất an cứ rình rập trở thành một ám ảnh vận vào các nhân vật của Nguyễn Trí sau này. Biến động lịch sử cũng cuốn phăng bao dự định tương lai, và chính thức Nguyễn Trí dấn thân vào đời gió bụi mưu sinh kể từ sau giải phóng năm 1975. Lưu lạc vào miền Đông Nam Bộ, có mặt ở những chốn cao nguyên đất đỏ, bãi đá hầm vàng cùng giấc mơ đổi đời, bán sức và bán mạng một cách liều lĩnh trong cuộc sống đặt ngoài vòng pháp luật, tụ hội dân tứ xứ giang hồ trong một mẫu số chung: nghèo và liều. Giang hồ thứ thiệt chứ không phải kiểu “nghe tiếng cơm sôi đã nhớ nhà”. Cuộc đời đã lộn trái anh, vắt kiệt anh từ Minh Trí thành Minh Tàn, trút lên gánh nặng một vợ bốn con mà những xui rủi số phận dồn đuổi đến tận cùng. Nếu làm một bản thống kê đầy đủ những nghề nghiệp thì có lẽ đỉnh cao để đời trọng vọng kiêng nể là làm anh giáo hợp đồng bảy năm, còn tận cùng nhất là một kẻ tù lao cải, nếm trải bao hãi hùng địa ngục trần gian. Cái xấu, cái ác, cái đểu giả, lọc lừa luôn bủa vây; tệ nạn, tứ đổ tường chưa gì chưa trải qua, từ quan cộng hòa đến quan cách mạng cũng chẳng lạ gì các trò tháu cáy, “ma bùn, lưu manh”. Trong tận cùng dưới đáy ấy, chỉ khao khát được làm người bình đẳng như bao người, một mái nhà một gia đình êm ấm, mà đến tận bây giờ chẳng biết số phận trớ trêu đã buông tha anh chưa?

Đọc Nguyễn Trí, có thể thấy rất nhiều cái chết được hiện diện từ chiến tranh đến thời bình: bất đắc kỳ tử vì tên bay đạn lạc, nổ lựu đạn, bắn giết nhau; chết vì thanh toán ân oán giang hồ, vì sốt rét rừng, rắn cắn, đuối nước, cây đá đè, sập hầm, sản hậu, ghen tuông, cướp,  “hát có ết”… mới thấy phận người đầy bất an!

4. Thông điệp trong từng trang viết

Lần theo mạch văn Nguyễn Trí, dấu ấn của một thời tao loạn in hằn lên số phận của từng nhân vật. Cố nhiên, trung tâm sẽ là loại nhân vật trải đời, lăn xả vào đời vì miếng cơm manh áo một cách bất đắc dĩ, vẫn luôn khao khát một cuộc sống bình dị, “rửa tay gác kiếm” để bình tâm kể lại đời mình cũng như chiêm nghiệm luật đời rất sòng phẳng. Nếu đi tìm một triết luận cao siêu, một tư tuorng mang tầm nhân loại, e rằng các nhà phê bình hàn lâm sẽ thất vọng. Quy luật kinh tế thị trường, sự thay đổi các bậc thang giá trị, viết như một sự nhập cuộc đáp ứng thị hiếu công chúng…e rằng xa lạ với văn Nguyễn Trí. Mà những hệ lụy thời chiến sang thời bình, bao cấp sang mở cửa, giang hồ đến hoàn lương chính là chất liệu từ đời được anh nếm trải để chuyển hóa thành văn. Hãy đọc lý do anh đến với văn qua Trí Khùng tự truyện “Thiên hạ có ăn học thì có văn có chương, mình vô học thì kể (…)Và cứ thế, tôi kể hết  cuốn vở trăm trang này qua trăm trang khác. Kể lại chuyện đời mình thì dễ và nhanh như sao xẹt, và thế là vài mươi cuốn vở dầy đặc chữ nghĩa xếp đầy cái tủ thảm thiết trong nhà tôi”  (tr.217 – 218). Bắt đầu là như thế, học viết, để nối lại giấc mơ thời trẻ, để kéo lại cái niềm tin chữ nghĩa còn có ích cho đời. Học và đọc, kể và chờ đợi những phản hồi, một chặng đường 5 năm (2009 – 2013) để tin mình không phải kẻ bất tài, văn Nguyễn Trí có bạn đọc của Nguyễn Trí, anh dấn thân trở thành nhà văn vì “viết đã giúp sự tăm tối của gia đình tôi sáng lên một chút”.

Những câu chuyện kể nối chuỗi ngày tháng biến động đời người ấy sẽ đi vào quên lãng, nếu qua từng trang viết người đọc không được sống lại những ký ức một cách chi tiết và sống động, gặp được chính mình trong đó. Ký ức cũng không phải để gặm nhấm mòn mỏi mà sức cuốn hút của nó trước hết là sự chân thực, không cường điệu không đánh bóng bằng ngôn từ hay cố ra vẻ cao đạo triết luận. Văn và đời gần nhau trong từng câu chuyện của Nguyễn Trí. Ít ra trong buổi đầu, từ truyện ngắn đầu tay in trên Tuổi trẻ cuối tuần tạo được tiếng vang, cho đến 89 số báo trên Đại biểu nhân dân là mảnh đất riêng anh thỏa sức tung hoành từ truyện ngắn đến truyện vừa, Nguyễn Trí đã tìm ra lối đi cho riêng mình khi nối dài từ chuyện mình, chuyện người, chuyện đời để người đọc hình dung ra có một thế giới với bao phận người chưa được hiểu rõ, giờ được kể lại bởi chính người trong cuộc, với những “sự thật đắng cay”, “sự thật tàn nhẫn” mà cảm xúc của người viết đã đủ độ lắng để chắt lọc giữa bộn bề những chuyện đời khác thường mà với tác giả lại là chuyện thường ngày chưa được kể!

Nhân vật Nguyễn Trí có chất Bình Định: võ nghệ và chịu thương chịu khó, chất miền Đông hảo hán và trượng nghĩa, có cả chất nổi loạn của “con người bé nhỏ”, tự trọng không để ai khinh. Ranh giới sang – hèn đo ở cách ứng xử với nhau trong “cõi ta bà”. Gần đây, văn của anh thêm chất triết lý pha trộn của tôn giáo nhập thế, thiên về chiêm nghiệm quy luật bù trừ, nhân quả, mang màu sắc luật đời hơn là giáo lý kinh viện. Anh không cố cắt nghĩa trong những truyện của mình, mà cứ để cho các nhân vật của mình sống với cái bản năng hoang dã nhất của họ, chà xát đụng độ bạo liệt, trần trụi trong một thế giới có quá nhiều hiểm nguy rình rập, đôi khi thấm thía đến tận cùng cái vô nghĩa, nhạt nhẽo của đời nhưng vẫn phải quằn quại, vật vã sống. Có những truyện chưa có hồi kết nhưng tác giả cũng cứ để lửng lơ, vì có viết nữa sẽ sa vào rao giảng, biện luận, nhào nặn nhân vật vào khuôn tư biện của mình. Nên có những truyện kết thúc theo một cách ấm ức kiểu Con Luốc, Trăng rừng,…Nhiều truyện tác giả kể, nhân vật chính đều kết thúc bằng những cái chết, có những cái chết rất “khùng”, những cái chết được báo trước, cái chết như sự trả giá ân oán giang hồ, cái chết lãng xẹt nhưng đôi khi là tất yếu trong một môi trường mà người ta không lường được tai họa giáng xuống lúc nào. Thường là sau cái chết, một Minh Tàn, Hùng Tàn, Năm Lựu Đạn… – người kể chuyện – cứ nhẩn nha buông ra một câu tưởng chừng trớt quớt, nâng một ly xây chừng để kết lại câu chuyện; hoặc cũng có thể anh dành lời kết cho đám đông – người nghe – như vỡ lẽ “À, ra thế, rồi sao nữa …”. Mà đời thì có bao giờ hết chuyện, người ta cứ tự móc nối các thân phận, các mối quan hệ trong lời kể, để thấy một điều nghĩa lý nào đó sau bao điều vô nghĩa lý.

Từ truyện ngắn, Nguyễn Trí đã đầu tư sang lĩnh vực tiểu thuyết, với anh là những chuỗi chuyện kể xoay quanh biến động cuộc đời nhân vật với các biến cố thời gian dài hơi hơn: Thiên đường ảo vọng, Ngoi lên từ đáy, Bụi đời và Thục nữ, Ăn bay, gần đây nhất là Ma lực của cội nguồn. Bên cạnh đó là mảng truyện thiếu nhi mà anh gọi là truyện dài: Tuổi thơ không có cánh diều, Trên đồi đất đỏ…Tiểu thuyết là nơi tác giả có thể đảo điểm nhìn trần thuật, tạo ra sự đa thanh đa nghĩa, hay xếp chồng truyện trong truyện, sống cùng nhiều miền đời, nhiều thân phận khác nhau… Tôi tin Nguyễn Trí tìm đến tiểu thuyết để kể cho đã, dẫn dắt người đọc đi hết hành trình thân phận nhân vật hơn là để thể nghiệm những lý thuyết tự sự, những triết luận nhân sinh hay phát ngôn tư tưởng… Tiểu thuyết là để tác giả giúp người đọc khảo nghiệm đầy đủ hơn “cõi ta bà” – như cách nói của anh. Không thuộc về khuynh hướng văn học “bước qua lời nguyền”, cũng chẳng phải lối viết giải thiêng thần tượng, pha trộn lịch sử – huyền thoại mà truyện Nguyễn Trí là của con người đương đại, là những vấn đề của lịch sử để lại, được nhìn từ góc độ của nhóm người yếu thế, dưới đáy, thậm chí đứng ngoài vòng pháp luật. Hiện lên sau các tiểu thuyết của anh trước hết là bóng dáng tác giả hóa thân trong từng nhân vật của mình, như xâu chuỗi của một thời bạt mạng bất cần đời, lì lợm đến vô cảm trước máu chảy, sinh ly tử biệt, cùng lắm chỉ là “nín lặng khóc”, âm thầm nghiến răng “ngoi lên từ đáy”.

Bức tranh cuộc sống hiện lên cũng khá đa dạng với lẫn lộn thật – giả, ngụy – cách mạng thời tranh tối tranh sáng, những khốc liệt yêu – hận, ranh giới sang – hèn, những toan tính tình – tiền  thời kinh tế thị trường, những trò ma bùn, lưu manh lại tái hiện trong tiểu thuyết đầy đủ và hệ thống hơn. Nhưng xuyên suốt trong cách kể, giọng kể của Nguyễn Trí là thái độ buông xả, vị tha. Nên không cần cao giọng, chẳng cần lên lớp hay triết lý, mà cứ bình thản một giọng. Theo tôi, có một Nguyễn Trí với giọng văn khác biệt, cảm xúc đong đầy và không giấu giếm thương yêu xa xót cho nhân vật của mình là hai truyện dài viết cho thiếu nhi. Tuổi thơ không có cánh diều là của chính anh và bạn bè anh, những đứa trẻ sống trong lằn ranh đạn bom từ hai phía, với ký ức không thiếu những ấn tượng hãi hùng, máu và nước mắt, để những đứa trẻ lớn lên trong thời bình biết một thời tuổi thơ của cha ông trải qua khói lửa chiến tranh. Còn Trên đồi đất đỏ anh viết về tuổi thơ của những đứa con anh, chỉ biết làm bạn cùng thiên nhiên hoang dã, trải nghiệm cuộc sống lăn lộn mưu sinh quá sớm. Thiệt thòi là thế, nhưng may mắn cho những đứa trẻ là còn có một thế giới kỳ thú của rừng, nơi chúng được dạy kĩ năng sinh tồn, nơi có bao điều lạ cần khám phá và ở đó là những bài học về tình thương yêu của những con người khốn khó. Trẻ con nên chúng không bận tâm những phức tạp của thế giới người lớn. Lớn trong khốn khó, tranh giành nên chúng sơm khôn trước tuổi, thương má thương ba, phụ việc nhà và háo hức được chơi đùa. Cô bé Linh – nhân vật trung tâm, là một cô bé đặc biệt ngoan, ham thích khám phá. Thế giới của em là cậu bạn đặc biệt Bảy Xoáy, là con Luốc tinh khôn, là rừng với bao bài học sinh tồn. Nguyễn Trí muốn lưu lại tất cả những câu chuyện trong đó, như để gửi gắm bao thương yêu và trọn vẹn tấm lòng của một người cha. Truyện tưởng chẳng có gì mà lại làm người đọc xúc động vì tình yêu giản dị ấy.

Tôi còn muốn viết thật nhiều, muốn phân tích đi sâu vào từng mảng truyện ngắn, tiểu thuyết với những đề tài được tác giả đề cập còn khá mới mẻ và xa lạ với giới phê bình nghiên cứu văn học hiện nay. Nhưng e rằng làm công việc quá sức của một người đọc và cảm Nguyễn Trí, nên chỉ làm một phác thảo ban đầu về anh. Văn của anh cũng không tham vọng xếp chiếu trên, chiếu dưới làng văn; cũng chẳng chen chân vào dòng văn học thị trường nhan nhản những ngôn tình, những best-seller vừa lòng bạn đọc thập phương. Hành trình của anh muộn màng và có lẽ tác giả còn tiếp tục những tìm tòi, mở rộng sang chuyện người, chuyện đời cũng như tìm một phong cách, một tư tưởng để ít ra cũng dễ phân loại cho các nhà nghiên cứu chăng? Tôi nghĩ, anh còn sức viết và cũng rất cầu thị, tự mình nhận ra ưu khuyết để làm mới chính mình. Vậy là đủ! Vì Nguyễn Trí có văn riêng của Nguyễn Trí!

TRẦN HÀ NAM

Bình luận về bài viết này