Album ảnh

Về bài thơ NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI của Phạm Hổ


Tuổi thơ của chúng tôi khi cắp sách đến trường là đã biết đến Phạm Hổ với những bài thơ thiếu nhi in sâu vào tiềm thức:

Mười quả trứng tròn

Mẹ gà ấp ủ

Mười chú gà con

Hôm nay ra đủ…

Thậm chí khi về quê nội, tôi còn mang theo cuốn sách giáo khoa lớp 1 ngoài Bắc về như một kỷ niệm thiêng liêng để nhớ về một thời được cô khen vì đọc diễn cảm thơ hay. Nhiều bài thơ Phạm Hổ đến giờ vẫn thuộc vì sự thú vị của nó với một cậu bé, giúp khơi dậy trí tưởng tượng phong phú:

-Chị ơi vì sao

Hoa hồng lại khóc

–          Không phải đâu em

Đó là hạt ngọc

Người gọi là sương

Sao đem gửi xuống

Tặng cô hoa hồng

Nhắc lại như vậy để biết Phạm Hổ trong tâm trí của lũ chúng tôi thuở ấy là nhà thơ thuần túy viết cho thiếu nhi, được thiếu nhi yêu quý vì thơ ông gần gũi, hình ảnh ngộ nghĩnh, tư duy rất trẻ thơ… Và cũng vì thế, tủ sách nhà tôi vẫn giữ cuốn “Chuyện hoa chuyện quả” của ông mà thời ấy anh em tôi đọc làu làu.

Thế nhưng có một Phạm Hổ khác, khi tôi lớn lên và bắt đầu theo con đường của học sinh chuyên Văn. Đến lúc ấy mới biết và tự hào về một ông Phạm Hổ đồng hương Bình Định, lứa trên cha tôi 2 lớp ở College Qui Nhơn – ngôi trường đã có biết bao nhà thơ thành danh. Thầm nghĩ: chắc hẳn ông có những bài thơ thật hay về quê hương Bình Định, hay chí ít cũng là về quê hương miền Nam trong khoảng thời gian tập kết xa quê đằng đẵng…

Trên hành trình tìm kiếm thơ Phạm Hổ, tôi đã gặp được bài thơ NHỮNG NGÀY XƯA THÂN ÁI:

Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi

Những ngày xưa thân ái
Chắc hắn quên rồi
Riêng tôi, tôi nhớ:
Đồng làng mênh mông biển lúa
Sương mai đáp trắng cỏ đường
Hai đứa tôi,
Sách vở cặp chung
Áo quần nhàu giấc ngủ
Song song bước nhỏ chân trần
Gói cơm mo mẹ vắt sách tùng tơn
Nón rộng hỏng quai
Trong túi hộp diêm nhốt dế
Những ngày xưa êm đẹp thế
Không đem chung hai đứa một ngày mai

Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay
Tôi buồn tôi giận,
Đêm nay gặp hắn,
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi

Xác hắn nằm bờ ruộng
Không phải hắn thưở xưa
Tôi cúi nhìn mặt hắn
Tiếc hắn thời ấu thơ.

Thú thực, thời ấy đọc bài thơ Phạm Hổ như vậy, với lũ chuyên Văn chúng tôi có thể coi như bắt được mạch cảm hứng bừng bừng khí thế tiến công cách mạng, có thể phân tích say sưa. Đúng ra tôi phải yêu, phải tìm cách đưa vào những bài viết phân tích thơ ca kháng chiến, thơ ca cách mạng, Nhưng không hiểu sao tôi cứ bị ám ảnh mấy câu như điệp khúc:

Tôi bắn hắn rồi

Những ngày xưa thân ái

Không ngăn nổi tay tôi

Cứ sợ sợ cái cảm giác ấy mà không cảm thụ nổi bài thơ. Tôi nhận ra một Phạm Hổ khác, quyết liệt, dữ dằn, không khoan nhượng trước “kẻ thù”, dù đã có thời ấu thơ những ngày xưa thân ái… Và ông Phạm Hổ – thơ thiếu nhi đậm đà thuở nhỏ cũng vụt biến khỏi tâm trí tôi, chỉ còn vệt mờ, đôi khi thuận miệng thì nhắc vậy thôi… Dù biết, về văn học thiếu nhi ông đã là một cây đa cây đề, sách của ông vẫn được trang trọng đặt trong tủ sách thiếu nhi nhà tôi ngang hàng với các truyện của Đoàn Giỏi, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Hà Ân…

Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, tiếp xúc với giới văn nghệ, thỉnh thoảng lại nghe một số anh em cầm đàn hát “nhạc vàng” – cái thứ nhạc một thời chúng tôi được dạy là sản phẩm của một chế độ cũ đầy những tình cảm “ủy mị, sướt mướt, não nề”. Một lần tình cờ nghe bài hát có những câu thật quen mà ngay thời điểm ấy cũng chỉ tự nhủ chắc là vô tình trùng hợp:

Những ngày xưa thân ái

Anh gửi lại cho ai?

Gió mùa xuân êm đưa

Rung hàng cau lưa thưa

Anh cùng tôi bước nhỏ

Áo quần nhăn giấc ngủ

Đi tìm chim sáo nở

Ôi bây giờ anh còn nhớ…

Cũng thoáng qua vậy thôi, vậy mà cứ ám ảnh giai điệu ca từ bài hát, thỉnh thoảng nghêu ngao vô thức và liên hệ với bài thơ cùng tên của Phạm Hổ, để rồi chợt nhận ra mối liên hệ “áo quần nhàu giấc ngủ” và “áo quần nhăn giấc ngủ” không thể là ngẫu nhiên! Và tra cứu mới bật ra thú vị: hóa ra ông nhạc sĩ sáng tác bài này là Phạm Thế Mỹ, em ruột của Phạm Hổ. Bài hát của người em làm tôi không thể không đi tìm một ẩn số trong mối liên hệ với bài thơ của người anh. Và thú thực, ca từ bài hát có sức cuốn hút tôi bởi ẩn chứa nỗi đau quê hương mất mát, bạn bè sinh ly tử biệt, bộc bạch nỗi niềm day dứt của con người trong chiến tranh thật thấm thía:

Thời gian qua mau

Tìm anh nơi đâu

Tôi về qua xóm nhỏ

Con đò nay đã già

Nghe tin anh gục ngã

Dừng chân quán năm xưa

Uống nước dừa hay nước mắt quê hương?

Đau lắm chứ! Cái cảnh bạn bè thuở nhỏ chia thành hai chiến tuyến, huynh đệ tương tàn được cảm rõ nét trong bài hát, đau riêng mà cũng là nỗi đau chung dân tộc. Cảm hứng bài hát rõ ràng xuất phát từ bài thơ, nhưng tại sao nỗi đau Phạm Hổ khiến tôi có cảm giác sợ:

Hắn bỏ làng theo giặc mấy năm nay
Tôi buồn tôi giận,
Đêm nay gặp hắn,
Tôi bắn hắn rồi
Những ngày xưa thân ái
Không ngăn nổi tay tôi

Xác hắn nằm bờ ruộng
Không phải hắn thưở xưa
Tôi cúi nhìn mặt hắn
Tiếc hắn thời ấu thơ.

Bài thơ được in trong tập Những ngày xưa thân ái (1957), bài hát viết năm 1965. Có một điểm gợn: thời điểm ấy, Phạm Hổ đang tập kết ngoài Bắc, hoạt động văn nghệ, là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, vậy nhân vật tôi có phải chăng là tác giả mượn lời ai đó nói chăng? Qua tìm hiểu kỹ hơn, mới biết bài thơ được viết năm 1950 – trong kháng chiến chống thực dân Pháp – khi tác giả đang hoạt động tại liên khu 5. Có thể xem bài thơ này chính là thành tựu văn học đầu tiên đưa tác giả ra chiến khu Việt Bắc với tư cách nhà thơ trẻ. Thời điểm ấy, định hướng về một nền văn nghệ kháng chiến đã rõ nét, không có chỗ cho những tình cảm yếu mềm mang dấu ấn “tư sản rót”, “buồn rớt”… (chữ dùng của Hoài Thanh). Có lẽ vì thế mà bài thơ này cũng phải xác định rõ tinh thần chiến đấu, gạt bỏ tình riêng, dẫu cho kết bài là “Khóc hắn thời ấu thơ” thì cũng phải có hành động trước đó dứt khoát “Tôi bắn hắn rồi – Những ngày xưa thân ái – Không ngăn nổi tay tôi”. Hành động ấy là biểu hiện cao độ của lòng yêu nước, căm thù giặc và những kẻ “theo giặc”. Bài thơ là tiếng nói ở ngôi thứ nhất, những kỷ niệm của ngày –xưa-thân-ái rất đẹp ,rất riêng tư là phần đọng lại sâu nhất, nên khiến ta không khỏi đặt câu hỏi: phải chăng nhà thơ chính là người trong cuộc? Mà sự thật có xảy ra như vậy hay tưởng tượng thì bất cứ ai trong thực tế trải qua cũng không thể làm khác, khi hai người ở hai chiến tuyến đang chĩa súng vào nhau! Hành động “bắn hắn rồi” là nhân danh lòng yêu nước, nhân danh kháng chiến trừng trị kẻ theo giặc! Nhưng chủ thể là bạn thân thiết thời thơ ấu, bởi vậy “Khóc hắn thời ấu thơ” – theo văn bản ban đầu –  cũng rất tự nhiên dành cho người bạn thời ấu thơ giờ đã chối bỏ cội nguồn quê hương. Bản in sau này sửa chữ “khóc” thành chữ “tiếc” quả là… đáng tiếc! Bởi từ tiếc làm cho hành động và tâm trạng chịu sự chi phối tuyệt đối của lý trí, không cho phép đem nước mắt làm mềm yếu tâm hồn! “Tiếc” là từ nhấn mạnh người nhân danh lẽ phải, hành động vì chính nghĩa một cách lạnh lùng, Mà như vậy nhắc kỷ niệm , giành đặc quyền “riêng tôi, tôi nhớ” về một phía có vẻ không ổn! Phải chăng, sau này Phạm Thế Mỹ viết bài hát lấy ý từ bài thơ, đã lấy lại giọt nước mắt khóc người bạn thời ấu thơ để day dứt về “nước mắt quê hương” mang tâm trạng phản chiến của người bên kia chiến tuyến? Và bài thơ Phạm Hổ có tác động phần nào chăng cho tâm trạng phản chiến trong dòng nhạc của Phạm Thế Mỹ? Tôi lại chợt nhớ những câu thơ trong bài thơ Hoa vòi voi của nhà thơ Trần Huiền Ân viết ở miền Nam trong những ngày đất nước chia cắt hai miền, cũng nói về hoàn cảnh éo le tương tự, liệu có ảnh hưởng nào của Những ngày xưa thân ái chăng:

Nhưng thuở nào xa xưa giờ đã hết

Cuộc tương tàn hai đứa lại hai phe

Im lặng chia tay một chiều vãn tết

Muốn hé nên lời sợ chính mình nghe

Rồi sau đêm bờ sông bom đạn rú

Một thằng đi dọn máu xương tàn

Lật xác quân thù…Ôi…người bạn cũ

Giữa đám vòi voi hoa cuộn băng tang

(1965)

Chiến tranh phá hủy tất cả, kỉ niệm thời thơ ấu, quê hương,… khoét sâu bao nỗi đau nhức nhối. Tâm trạng đau đớn này, gạt đi những lời thể hiện tinh thần có phần lên gân, trở thành nỗi ám ảnh nhức nhối tâm can bao con người, bao gia đình. Xét từ góc độ này, bài thơ của Phạm Hổ có thể đã chạm vào điều phi lý của chiến tranh, nên lại đi tìm một điều có lý để biện bạch. Thời điểm ấy, không thể viết khác được.

Dẫu sao, đây cũng có thể xem là thi phẩm khởi đầu chặng đường thơ Phạm Hổ đến với văn học cách mạng. Và nhà thơ sau này đã chọn ngã rẽ hẳn sang văn học thiếu nhi. Phải chăng, đó cũng là cách để ông được sống mãi ký ức của thời ấu thơ, được yêu cỏ cây muông thú, đất trời, yêu bè bạn bằng tấm lòng thuần hậu trẻ thơ?

5. 2017

T.H.N

Bình luận về bài viết này