Album ảnh

Chuyên Văn k18 – Hành trình trải nghiệm


KHỞI ĐỘNG
Cuối cùng thì thầy trò lớp Văn k.18 đã thực hiện được chuyến đi mơ ước. Đã quyết là phải đi, đã đi là phải đến! Dù cho ban đầu có quá nhiều điều dễ làm “nản lòng chiến sĩ”: dự kiến ban đầu 2 lớp đi, cuối cùng một lớp rút khi thấy kinh phí cho chuyến đi quá cao. Tiếp tục tính toán lại, giảm bớt chi phí, chấp nhận cắt bớt điểm đến, vẫn không thuyết phục được. Vấn đề là ở đâu? Sau một đêm vắt óc dự trù kinh phí, xác lập lộ trình, phương án được trình bày cho học sinh tham khảo và xin ý kiến cha mẹ: đi tàu, chấp nhận mọi chi phí phát sinh tối đa… và hồi hộp chờ đợi kết quả phản hồi!
Quân số đăng kí tham gia ban đầu chỉ có 11 người, sau một cuộc vận động hành lang của các thành viên nhiệt tình nhất, đến cuối buổi tối hôm đó,lúc 23h50, con số chốt được là 26 thành viên! Các trường hợp không đi được chủ yếu do bận việc gia đình, lý do bất khả kháng về sức khỏe không bảo đảm cho chuyến đi 5 ngày 4 đêm (2 đêm ngủ tàu). Trình lên thầy hiệu trưởng, thầy không khỏi khỏi ái ngại dù rất ủng hộ chuyến đi, vì nếu đi chỉ có một thầy và tới 26 cô con gái liễu yếu đào tơ. Nhưng nhìn vẻ hăm hở, quyết tâm của chủ nhiệm lớp, hiệu trưởng đã ký quyết định! Đạn đã lên nòng, phải bắn thôi! Họp phụ huynh, trình phương án, nêu lịch trình, lại thêm một phụ huynh xin cho con rút vì sợ không đủ sức khỏe đi chặng đường dài tới gần 50 km từ Hà Tĩnh về Nghệ An. Chốt sổ, nạp tiền, phụ huynh lại băn khoăn sợ không đủ chi phí cho các con, vậy là có tới 5 – 6 phụ huynh tình nguyện góp thêm, hỗ trợ cho những học sinh khó khăn và cho đoàn có thêm kinh phí. Mua vé tàu khứ hồi, may mà có hỗ trợ giảm bớt 6% cho vé mua tập thể, lại đổi lịch trình cho hợp lí hơn, lại có thêm chút tiền dôi ra, vững tâm hơn. Điện thoại, tin nhắn dư trăm cuộc, trong một buổi chiều cũng lo xong xe chở đoàn ngoài Vinh đi trong 3 ngày, tiền khách sạn báo giá tính ra so với dự kiến ban đầu tiếp tục giảm xuống. Ta khỏi lo tiền bạc rồi, chỉ còn lo hậu cần vững mạnh thôi! Lên đường nào!
CHUYẾN TÀU ĐÊM 15/8 (phần tường thuật trực tiếp trên tàu, đưa vào bài cho khỏi trôi)
Đoàn trải nghiệm thực tế lớp 11V khởi hành lúc 21 giờ tại ga Diêu Trì. Cả một góc sân ga râm ran tiếng của những cô nương ồn ào. Phụ huynh lắc đầu ái ngại: một mình thầy chủ nhiệm phải quản 25 con vịt giời, khổ thầy rồi! Với nhiều thành viên, đây cũng là lần đầu tiên đi xa, lần đầu tiên đi bằng tàu, lần đầu tiên xa nhà… Còn với thầy chủ nhiệm, cũng là lần đầu tiên dẫn quân Bắc chiến, sau bao nhiêu năm ở chuyên Lê Quý Đôn chỉ biết Nam chinh … Lên tàu, toa ghế cứng điều hoà, có một cảm giác bất ngờ vì hôm nay tàu đông quá, chật kín không còn chỗ ngồi. Xếp đồ vừa xong thì tàu chuyển bánh. Cả toa cùng dồn mắt vào đội hình vừa lên tàu, ồn như chợ vỡ, hăm hở cầm máy tự sướng. Tất cả đều mơ màng như cụ cố Hồng, lim dìm mắt tưởng tượng cảnh ra thủ phủ gió Lào nó… hoành tráng cỡ nào. Các bà tám mỏi miệng, lại xúm nhau lê la dưới sàn tàu chơi bài, trong khi hai đầu toa, các hành khách đã chìm vào giấc ngủ… Hết màn sát phạt nhau, đúng như truyền thống lớp V…ăn, là màn ăn vặt từ nhóm đầu đến nhóm cuối, phụ huynh chắc quá hiểu nên nhét vào ba lô cơ man nào là bánh ngọt, bánh mặn, các loại nước uống… mà có thể cứu đói cho sinh viên nghèo cả tuần! Nhưng các nàng lớp Văn, thì…mơ nhé! Nhanh như tằm ăn rỗi, trên bàn của mỗi nhóm đầy vỏ bánh, vỏ chai lăn lóc. Tuy nhiên, chưa có gì gọi là trải nghiệm.

NGỦ TRÊN TÀU
Trải nghiệm 1 – NGỦ TRÊN TÀU
Ngay khi đội hình sát phạt bài còn chiến đấu, một số thành viên thuộc trường phái gà lên chuồng đã lơ mơ ngủ. Đến lúc cơn ngủ kéo đến cả đội thì lúc đó mới thật là nan giải. Ngày thường, chăn ấm nệm êm, ngủ thẳng giò. Giờ ngủ ngồi, sao được? Lại thêm ông thầy nổi tiếng dìm hàng, lỡ ngủ ổng chụp rồi tung lên có mà mất hình tượng, kiên quyết không thể để lỡ ai thấy mình … nhểu nước miếng, đầu bù tóc rối, mất hình tượng con gái lớp Văn yểu điệu thục nữ! Bí thư Ng. hùng hồn: chuyện nhỏ, em thức tới sáng! Nhưng rồi cơn ngủ không tha một ai, đội rì rầm lì nhất là dân KTX cũng lo kiếm chỗ thăng thì hỡi ôi… Sàn tàu đã kín chỗ, lót áo mưa, giấy báo và quân mình đã nằm sắp lớp như xếp cá mòi. Trên ghế, người nằm quẹo, kẻ nằm cong, kẻ ngủ ngồi đủ mọi tư thế. Chẳng khác mấy quang cảnh các trại tị nạn LHQ. Nhưng không ai ngủ quá được 15 phút vì ồn, vì khó ngủ, vì lạ chỗ và vì… ham vui! Rồi thì cha mẹ ơi, phòng điều hoà sao mà lạnh! Mền không ăn thua, mấy nàng nảy sáng kiến vơ luôn rèm cửa đắp chống lạnh. Tội nhất là sếp H. nhảy tưng tưng vì lạnh. Cuối cùng thần ngủ chiến thắng tất cả, đội hình ngủ ngoan như chó con!
BUỔI SÁNG
Tàu đến Huế cũng đã 5 giờ sáng, cả thành phố im lìm khi con tàu băng qua. Có vẻ thời tiết không tốt nên sông Hương không trong, và nhìn qua cửa sổ con tàu, một góc thành nội như gợi một tứ thơ Bà huyện Thanh Quan:
Tạo hóa gây chi cuộc hí trường Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo Thềm cũ lâu đài bóng tịch dương…
Chỉ có điều, tàu đi ngang sáng sớm, cái buồn buồn trầm mặc của Huế cũng lướt qua nhanh! Đường tàu men theo dãy Trường Sơn chạy suốt dải đất miền Trung nên quang cảnh chủ yếu là núi non cây cỏ, những vùng đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Đội hình cũng lục tục dậy, làm vệ sinh buổi sáng rồi một số háo hức lấy máy ghi lại những cảnh lướt qua trên hành trình. Đôi khi thấy một cảnh làng quê, mấy nhóc học trò huyện reo lên như gặp một không gian quê nhà quen thuộc. Ngân Bé kể về cảm giác khi tàu ngang qua nhà, Thanh Lê nhớ núi, Hạnh Nguyên nhớ đồng cùng những kỉ niệm thời…chận bò cắt cỏ (ấy là nói cho oai chớ các nàng mà biết chận bò thì chắc phải có dăm nhà thơ cỡ lớn ở lớp!).
ĂN TRÊN TÀU
Thầy trò sau một đêm vật vã trên tàu, dù có điểm tâm quà vặt nhưng rất nhanh đói, bởi thế khi thầy chủ nhiệm hô xuống toa canteen ăn sáng, cả đội hớn hở rùng rùng hành quân khí thế qua các toa. Đi ngang qua mấy toa giường nằm còn trống chỗ, có người tặc lưỡi: biết thế thì… và ủ mưu ăn xong vào nằm ké cho giãn gân cốt. Nghĩ vậy, tuy nhiên cái bụng đang réo đòi lấp đầy chỗ trống, nên đội hình nhanh chóng đổ bộ vào các bàn ăn tại canteen. Kêu khí thế món phở bò, tuy nhiên rất nhanh chóng cả đội cùng thất vọng: 30.000/tô phở mà nước không thể nhạt hơn nước ốc, vì chẳng có gia vị gì! Lại chẳng có gì chan thêm ngoài một chai tương ớt to vật chia đều cho các bàn. Thấy đội ăn trước nhăn mặt, đội ăn sau nhanh chóng chuyển sang phương án mì tôm. Chỉ có mì ly nên đội vào sau quyết định mang về toa của mình chế nước sôi ăn. Nàng M.A mang mì về, bối rối tìm vòi nước, chặp sau hớt hải: nước sao nguội ngắt mà anh kia bảo chế, giờ sao ăn? Cả bọn không nín được cười vì cô nàng hóa ra không phân biệt đâu là vòi nóng, đâu là vòi lạnh, cứ thế pha mì tôm với nước lã! Mọi người giải quyết xong bữa sáng, bắt đầu thư giãn bằng cách gầy sòng bài Uno – một kiểu chơi bài quen thuộc của con gái. Vụ này nàng nào cũng nhanh như tép, còn thầy chỉ biết chơi Tiến lên, nên tranh thủ chợp mắt bù hồi đêm gà gật! Một số thư giãn bằng cách lôi truyện ra đọc, bấm điện thoại, nghe nhạc… Xem chừng khá ổn. Sau màn ăn sáng đến cảnh ăn trưa, quả thật là những trải nghiệm mới mẻ của phần lớn dân cày đường Quy Nhơn chỉ quen cơm mẹ nấu! Cơm tàu thì có bao giờ ngon, lại còn đắt nữa! Khi nhân viên đi bán vé ăn, không còn khí thế như buổi sáng, chỉ có một phần tư mua phiếu cơm, còn lại tiếp tục phương án mì tôm bổ sung Coca cola cầm cự cho qua bữa! Vả lại từ sau bữa sáng, các nàng vừa chơi, vừa … nhai liên tục nên cũng ít người đói. Buổi tối khi tàu dừng ga Đà Nẵng thầy trò cũng điểm tâm tối bánh bao và xôi ruốc rồi, vẫn ý vị hơn vị cơm tàu. Một số được gia đình chuẩn bị, mang đồ ra ăn, còn lại chỉ có 7 người thử cơm tàu cùng thầy. Lại tái diễn cảnh vừa ăn vừa nhăn, nhưng cũng cho thấy các thành viên kí túc xá là có tinh thần chinh chiến, ráng ăn! Còn lại phần lớn xơi mì ly và…ăn vặt. Ông bố D.Q quả là người bố có tâm nhất quả đất, khi chuẩn bị hai hũ thịt kho cho con ăn trên tàu, nhờ vậy mà ăn ké cũng mặn mà hơn, nhưng ăn cũng chỉ mấy miếng, đến khi đi về toa thì gửi lại luôn cho nhà tàu! Nàng M.A lại có chuyện để kể: đi băng qua các toa, tới canteen rồi mới hốt hoảng vì quên… phiếu ăn, lại quay về qua 4 dãy toa tàu để lục phiếu toát mồ hôi không thấy! Trên toa ăn, nàng A.T lục túi áo khoác Jean, phát hiện phiếu ăn của M.A nằm trong, lại gọi điện cho M.A quay ngược lại! Hóa ra, toa lạnh nên M.A mượn áo của A.T trùm, khi phát phiếu tiện tay bỏ vào. Gần trưa hết lạnh, trả áo, quên luôn phiếu ăn của mình!!! Vụ này hồi xưa ở KTX Đại học thì đúng là mỡ treo miệng mèo, mất phiếu ăn thì mặt buồn như mất sổ gạo!!!
Ăn xong lại thêm vấn đề: gần 1 giờ chiều, phần lớn đều díp mắt vì quen cữ ngủ đi học chuyên đề, nhưng tàu sắp tới ga, đành thức mà nàng nào nàng nấy lừ đừ, buồn xo!
CUỘC TRẢI NGHIỆM ĐẦU TIÊN – QUÊ BÁC
Tàu đến Vinh đúng 13 giờ 30. Xe hợp đồng đã chờ sẵn ở ga.Đội quân trải nghiệm í ới gọi nhau, lễ mễ khuân vác đồ đạc xuống, vừa bước ra toa máy lạnh là biết lễ độ ngay với cái nắng gay gắt của chảo lửa Vinh đang vụ gió Lào. Nắng rát da, đến nỗi da “trâu” như thầy chủ nhiệm mà cũng chịu không nổi.Bước xuống, “đại ca đầu bạc” – anh Hai đã mang kính râm, nở nụ cười tươi rói đón thằng em cùng lũ nhóc. Tất cả khẩn trương di chuyển lên xe về khách sạn Asean Vinh. Nhận phòng xong, lệnh hành quân số 1: lui thời gian lại đúng 15 giờ đi thăm địa điểm đầu tiên. Cả đoàn trút được gánh nặng vì không phải như thầy dọa: nhận phòng xong đi chơi luôn! Sao mà đi được? Cũng phải ngả lưng xí đỉnh cho giãn gân cốt chớ!
DSCN2673
Sau một giấc nghỉ trưa, tất cả hối hả xuống xe để đi thăm địa điểm đầu tiên: Quê Bác. Xe vừa vặn cho đoàn đi, lúc này phía trước đã chăng băng rôn hoành tráng: Đoàn học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định đi trải nghiệm thực tế! Ngoài chú Hùng tài xế chính còn có chú Nga chủ xe đi cùng. Đoàn có thêm một thành viên đặc biệt: Bác Hai – anh con dì của thầy Nam. Ấy là học sinh gọi theo thầy, chứ tính theo tuổi thì bác bằng hoặc thậm chí hơn tuổi ông bà nội ngoại của học sinh. Vậy mà học sinh có đứa đoán bác chỉ 62 là cùng, dù bác đã 77 tuổi! Sau màn chào hỏi không thể hóm hơn, đám cháu nhỏ cảm thấy bác gần gũi vô cùng! Và thầy cũng có trợ thủ đắc lực. Các nàng sau khi nghỉ ngơi, đã bừng bừng khí thế, chải chuốt thướt tha, mặt tươi như hoa sẵn sàng khám phá. Xe đến nơi đã chừng hơn ba rưỡi chiều, làm thủ tục xong, mua hoa huệ để vào thắp hương cho song thân phụ mẫu của Bác, cả đoàn bắt đầu đi một chặng đường qua những nhà “hàng xóm” phục dựng lại để đến nhà của ông bà ngoại Bác. Đến nơi đã 4 giờ, và cuối cùng cũng tìm thấy hướng dẫn viên – cô Huyền. Một cảm giác rất lạ, khi bước vào khuôn viên có những hàng rào cây xén tỉa cẩn thận, phía trong là nhà mái tranh đặc trưng chất xứ Nghệ. Với tất cả học trò, đây là lần đầu tiên về thăm quê Bác. Với thầy, đây cũng chỉ là lần thứ hai. Nhưng cái cảm giác thân thuộc gần gũi như đánh thức kí ức làng quê Việt Nam trong mỗi người: những thân cau thẳng tắp, những bụi tre, những khoảnh vườn trồng rau như bất cứ ngôi nhà bình dị nào ở thôn quê. Lòng chợt ngân câu hát:”Nhớ Bác Hồ về quê năm xưa, Bác tuy già còn mạnh khỏe…“, cứ cảm thấy có cái gì nghèn nghẹn nơi cổ. Dâng hoa lên cho ông bà ngoại và song thân phụ mẫu của Bác, cả đoàn được nghe cô hướng dẫn viên giới thiệu về nơi Bác đã sinh ra. Dù bản thân thầy đã đọc, đã biết khá tỉ mỉ về cuộc đời của Người, nhưng nghe qua giọng Nghệ, cứ vẫn xúc động. Còn đây: nơi cụ Hoàng Xuân Đường dạy học và đàm đạo với sĩ phu văn thân, còn đây, gian phòng của hai cô con gái Hoàng Thị Loan và Hoàng Thị An; câu chuyện cứ thế truyền vào lòng học sinh, những chứng tích như biết nói. Nơi đây vẫn vẹn nguyên câu chuyện duyên phận của cô gái đẹp người nết na và chàng thư sinh hiếu học. Còn đó gian nhà nhỏ bên cạnh của đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Sinh Sắc, nơi sinh hạ lần lượt những người con: Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung. Tuổi thơ của Người từ khi lọt lòng đến năm 6 tuổi gắn bó với nhà ngoại. Còn đó khung cửi, còn đó bàn quay tơ phảng phất đâu đây bóng hình từ mẫu của Người. Cô hướng dẫn viên rất biết cách dẫn dắt cho học sinh, sau mỗi phần đều tỉ mỉ yêu cầu nhăc lại các chi tiết cần nhớ. Cùng thời điểm đoàn học sinh đến thăm, còn có mấy đoàn khác cũng vào thăm, chụp hình, có những cựu chiến binh ngực đeo huy hiệu Bác Hồ, lặng lẽ vuốt ve từng di vật. Có lẽ họ đến đây đã rất nhiều lần, nhưng vẫn trở về như một cách hành hương, tìm lại cội nguồn sinh ra vị lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam và thế giới!
DSCN2696
Xong điểm đến quê ngoại, lại hối hả lên xe sang quê nội của Bác. Đến nơi chỉ còn khoảng nửa tiếng, lại hối hả vào mua hoa, tìm đường loanh quanh, vì cả một khu rộng thênh thang xây cất hoành tráng nhưng không có ai hướng dẫn. Phải chạy đua với thời gian, thầy đi như tên bay, mướt mồ hôi vào dâng hương ở gian thờ chính, trò theo đuối nên đủng đỉnh đi sau vì quá mệt. So với ngày trước, nơi đây giờ mang dáng dấp một quần thể du lịch với nhiều công trình tiếp tục được xây, những khoảng sân rộng thênh thang… Làng Kim Liên, nơi Bác ở từ 11 đến 16 tuổi không còn vẻ dân dã mộc mạc như xưa, tìm mãi mới đến được nhà Bác thì đã 5 giờ kém 15. May mà cảnh bên trong còn tương đối như xưa, vẫn nhà lá đơn sơ một góc vườn, cây lá sum suê. Hướng dẫn vieen tiếp đoàn đến muộn, cùng một đoàn cựu chiến binh không nghe thuyết minh mà vào thẳng nhà Bác. Những hiện vật có chút thay đổi trong cách bài trí, vách đất có làm thêm bàn thờ cụ Hoàng Thị Loan mẫu thân của Bác. Tấm biển Ân tứ vinh quy dành cho cụ phó bảng không còn. Trò tranh thủ nghe hướng dẫn và ghi chép, thầy tranh thủ đi dạo tìm về cảnh cũ hồn xưa! Thăm một vòng lại hối hả ra ngoài cho bảo vệ đóng cửa, lúc này đoàn mới chụp tấm tập thể nơi nhà thờ trung tâm.
DSCN2699
Ra chỗ xe chờ, nhiều người rã rời chân tay, cô hàng nước mía đon đả mời, cả đoàn không từ chối. Bác Hai Minh Nguyễn Thanh lại là người xông xáo nhanh nhẹn nhất, giành trả tiền nước mía cho đội quân mệt lả! Ly nào xong bưng ra đều cạn sạch, kể cả ca nước mía khuyến mãi cũng giành nhau! bác Hai là người cuối cùng, vừa cầm ly lên thì cô cháu P.T quý hóa bảo: bác cho con thêm được không? Bác hiền lành cười: cho con uống luôn! Cô cháu không khách sáo, cắm ống hút làm một hơi cạn sạch. Thầy chủ nhiệm khẽ cau mày, bác Hai cười bảo: thôi kệ, ưu tiên cho các cháu! Trời ạ, bác đã 77 tuổi, và theo các con cũng đuối lắm đó! Nhưng anh Hai nói vậy rồi, thằng em làm sao dám la học trò? Có nước mía tiếp sức, cả đoàn lại tỉnh như sáo, hăm hở về khách sạn đánh chén bữa tối đã đặt sẵn.
(cont…)

Bình luận về bài viết này