Album ảnh

Chuyên Văn k18 – Hành trình trải nghiệm (2)


DÂNG HƯƠNG ĐỀN THỜ QUANG TRUNG HOÀNG ĐẾ TẠI NGHỆ AN.
Sáng 17/8, cả đoàn sau một đêm nghỉ tại khách sạn, ai nấy đều phục hồi sức lực và tươi tắn hơn. Sau bữa ăn sáng đặt tại khách sạn – món cháo lươn 40.000/suất, gọi là cho biết hương vị, cả đoàn lên xe đi đến điểm đầu tiên: đền thờ Quang Trung hoàng đế tại núi Dũng Quyết.
Rút kinh nghiệm bị khát khô chiều hôm trước, đoàn chuẩn bị mua hẳn 2 thùng nước đóng chai bỏ trên xe, nhưng xem ra không ai khát cả! Xe chạy lên tận lưng chừng núi, đến bãi đậu rộng thênh thang. Khu đền thờ này do tỉnh Nghệ An đầu tư kinh phí xây cất làm điểm du lịch tâm linh, tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc đã gắn bó với mảnh đất này. Những chứng tích được lưu lại khi Quang Trung tiến quân ra Bắc tiêu diệt quân xâm lược Mãn Thanh từng được học trong chương trình lớp 9 được hồi tưởng, chiếu chỉ của vua Quang Trung dành cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, những sắc phong của nhà vua cho quan trấn thủ Nghệ An, ân tứ của nhà vua thưởng công cho dân chúng vùng này theo Quang Trung đánh giặc, những hiện vật thời Tây Sơn được tái hiện, dịch và trưng bày trong căn phòng nhỏ, ngỡ như có một bảo tàng Tây Sơn thu nhỏ tại Nghệ An. Quy mô khu Đền thờ khá bề thế, và tiếp tục được triển khai xây dựng thành một quần thể du lịch,như muốn tái hiện giấc mơ lập Phượng Hoàng trung đô của vị hoàng đế anh hùng. Đường lên đền thờ tạo cảnh quan rất đẹp với những bậc thang, hai bên cây cối sum xuê, có cảm giác thơ mộng giống Đà Lạt với những hàng thông hai bên cao vút. Xa xa là con sông Lam uốn khúc.
Vào đền chính, người giữ đền lật đật mặc áo chuẩn bị tiếp đoàn – coi bộ cũng ít người ghé lên vì di tích còn quá mới. Có lẽ việc chính ở đây là cho chữ Nho đoán giải số (!) và dạy võ cổ truyền. Phải qua một gian thờ Phật đồ sộ mới vào đền thờ 3 anh em Tây Sơn, thùng công đức đặt khắp mọi nơi. Khách mua nhang viếng cũng tự giác bỏ tiền vào thùng! Khu thờ ở giữa là dành cho hai vua Thái Đức và Quang Trung, cùng người em Đông Định vương Nguyễn Lữ, bên tả thờ các võ tướng Bùi Thị Xuân – Trần Quang Diệu – Ngô Văn Sở, bên hữu thờ Ngô Thì Nhậm – Phạm Công Trị. Và lại có thùng bỏ tiền nhang đèn và thùng công đức. Học sinh được hướng dẫn cách lạy: Lạy Phật 3 lạy,lạy ông bà văn thần võ tướng 4 lạy, lạy vua 5 lạy! Nhưng từ khu thờ này, có cảm giác điều gì sai sai, khi hoàng đế lại đặt sau khu thờ Phật, có vẻ pha tạp, giảm tính chất tôn vinh sự nghiệp lẫy lừng của Quang Trung hoàng đế. Quá nhiều thùng công đức khiến có vẻ giống đi chùa quyên tiền phước sương bá tánh! Bởi vậy sau khi học trò Bình Định làm lễ chào vua Tây Sơn xong, cho các em chụp hình cảnh thiên nhiên, thư giãn ngoại cảnh nhiều hơn, cũng không mấy quan tâm dự án quyên góp các nhà hảo tâm 500 triệu để đúc hai súng thần công đặt trước đền thờ.
May mà các cháu được bác Hai kể cho nghe vì sao bác gắn bó xứ Nghệ lâu dài, khi đứng nhìn dòng sông chuyển màu đục phía xa dưới chân núi Dũng Quyết. Duyên nợ để bác yêu người xứ Nghệ từ câu hò nổi tiếng, tình cờ nghe trong một lần về tuyến lửa Nghệ An, giúp bác hiểu cái chân chất mà sâu sắc thâm trầm của tính cách Nghệ: Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục Thì mới biết cuộc đời răng là nhục là vinh… Câu chuyện thú vị đã giúp các cháu quấn quít và yêu mến bác Hai như người nhà của lớp, các bé tranh thủ xúm xít tạo dáng chụp hình cùng bác trước lúc lên đường sang Hà Tĩnh thăm khu di tích đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.

Bình luận về bài viết này