Album ảnh

Chuyên Văn k.18 – Hành trình trải nghiệm (3)


KHU DI TÍCH LƯU NIỆM ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU
Rời đền thờ Quang Trung hoàng đế, cả đoàn đi qua sông Lam về Hà Tĩnh. Buổi sáng trời đẹp, nắng trong, ai cũng có cảm giác khoan khoái, dù hành trình tương đối dài. Xe qua cầu, nhìn con sông Lam uốn khúc, không biết có ai nhớ câu hò ví dặm của người xứ Nghệ? Riêng mình lại nhớ những ca khúc gắn liền mảnh đất nắng và gió Lào này, những ca khúc thật hay: Đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh, nhớ núi Hồng Lĩnh, nhớ dòng sông Lam… (Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh) và: Xe ta bon trên dặm đường, giữa làng quê ta băng qua bao suối đèo đồi nương… (Chào em cô gái Lam Hồng). Con đường băng ra chiến trường của bao lớp người quả cảm vượt qua bom rơi đạn nổ, giờ trải nhựa láng tưng, xe chở đoàn đi bon bon. Chợt lại nhớ câu thơ Tố Hữu: Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân – Bâng khuâng nhớ Cụ, thương thân nàng Kiều… (Kính gửi cụ Nguyễn Du), nổi máu nghề nghiệp giảng giải cho học trò về sự đồng cảm của Tố Hữu – Nguyễn Du, nhưng đội hình mải chuyện riêng và ngắm cảnh khiến cho bài giảng không hứng thú mấy! Thôi thì về quê cụ Nguyễn Tiên Điền hẵng hay!
Khu di tích đặc biệt Tiên Điền, Nghi Xuân có quy mô thật hoành tráng, với nhiều công trình xây mới, nếu đi nhẩn nha chắc phải mất cả buổi mới hết điểm tham quan. Ban Quản lý thấy chiếc xe chăng bandroll trường chuyên Lê Quý Đôn Bình Định, có phần ưu ái hơn. Có khá nhiều đoàn về thăm cụ Nguyễn, nên đội hướng dẫn viên phân địa điểm thuyết minh khá vất vả. Cả đoàn tranh thủ tới trước tượng đại thi hào làm một kiểu ảnh tập thể trong thời gian chờ thuyết minh, rồi tiếp tục tiến sâu vào bên trong khu di tích, tập trung trước cây cổ thụ 300 năm từ thời tổ phụ cụ Nguyễn trồng. Hóa ra toàn bộ khu di tích rộng lớn này trước kia đều thuộc sở hữu của gia đình Cụ.
Cũng phải thôi, dòng dõi Xuân Quận công nổi tiếng thi thư, quyền hành chỉ dưới Vua kém Chúa một bậc, lại thêm anh cả Tham tụng Nguyễn Khản, làm sao mà dinh cơ không đồ sộ! Dọc đường đi, Ban quản lý cho lắp đặt loa, phát đicác đoạn ngâm thơ Truyện Kiều. Loa ẩn trong các bãi cỏ, hàng rào, tạo cho người đi tham quan không khí có chút chất thơ để tạm quên những khu trưng bày xây mới toàn bê tông. Phần thuyết trình của hướng dẫn viên ngoài giới thiệu gia thế dòng họ Nguyễn Tiên Điền, gốc gác cụ Nguyễn, còn lại đối với học sinh chuyên Văn hơi thừa vì phần lớn học sinh cũng đã bị thầy “tra tấn” cả hàng chục tiết chuyên đề rồi. Trò xúm xít nghe, ghi chép, thầy tranh thủ chụp những di tích cổ còn lưu lại trên nền nhà cũ – nơi Nguyễn Du nương náu trong giai đoạn “một phen thay đổi sơn hà”. Với học trò, những điều được nghe không mới nhưng có không khí vì được dẫn dắt trên chính mảnh đất Nguyễn Du từng sống mười năm gió bụi bên núi Hồng Lĩnh thời Tây Sơn. Không gian dễ tạo xúc cảm sẽ giúp học sinh hiểu hơn vì sao chỉ chừng ấy thời gian lại làm nên một Nguyễn Du thấu đáo nhân tình thế thái hơn, tiếp cận với những nông dân đất Hà Tĩnh một mạc chân chất, để sau này Cụ hồi tưởng với lòng biết ơn thôn ca sơ học tang ma ngữ…
Cả đoàn vào dâng hương, đi qua hồ sen, khu nhà cổ hàng trăm năm giờ đang chờ trùng tu, gia cố, vào nơi xây mới trưng bày di tích liên quan đến dòng họ và các hiện vật, công trình nghiên cứu về Nguyễn Du và sáng tác của nhà thơ. Bác Hai tranh thủ đi tìm mua sách tặng các cháu nhưng không có cuốn sách cần mua, đành mua ít tờ bướm đóng dấu lưu niệm khu di tích. Đám trẻ được bác Hai chiều, thích mê. Đội hình tranh thủ tản ra khắp nơi, chụp tư liệu và không quên chụp… tự sướng giữa làng quê Nguyễn Du. Lúc lên xe, nhiều người còn tranh thủ vào mua sách, mua đồ lưu niệm. Chả hiểu sao các nàng đua nhau mua nậm rượu sành sứ, đùn là dân xứ rượu Bàu Đá! Chắc chắn với học trò, những gì tai nghe mắt thấy sẽ đem lại nhận thức mới, cảm hứng mới để hiểu hơn về đại thi hào dân tộc, hiểu về một vùng văn hóa nổi tiếng địa linh nhân kiệt, một dòng họ có nhiều tên tuổi lẫy lừng trong văn học – lịch sử nước nhà.

Bình luận về bài viết này