Album ảnh

Chuyên Văn k.18 – Hành trình trải nghiệm (4)


NGÃ BA ĐỒNG LỘC
Con ơi, bố về thăm Hà Tĩnh quê ta
Bố kể con nghe về ngã ba Đồng Lộc.
Trên mặt đất này có muôn triệu ngã ba
Và có rất nhiều ngã ba nổi tiếng:
Có những ngã ba nối những dòng sông lớn của một đại châu, sóng dựng trùng trùng:
Có những ngã ba nối những con đường dài chạy từ các thủ đô to
Như những mạch máu khổng lồ
Trên thân hình trái đất
Trong đó mỗi con người là một hạt hồng cầu đỏ chói.
Có những ngã ba, là nơi gặp gỡ của những dòng văn minh lớn đông, tây, kim, cổ…
Tất cả những ngã ba trên, con có thể học biết trong sách địa dư, trên những bản đồ.
Mai sau lớn lên con có thể đến thăm và chụp ảnh nữa…
Xong rồi con có thể quên…
Nhưng con ơi, con chớ có quên ngã ba Đồng Lộc.
Trong đời mỗi người cũng có những ngã ba đường
Trong đời một dân tộc cũng có những ngã ba quyết định
Những ngã ba vận mệnh
Những cái nút trên dặm dài lịch sử
Gặp những ngã ba đời, con sẽ nghĩ suy
Và con ơi, muốn tìm đúng hướng đi
Con sẽ nhớ đến ngã ba Đồng Lộc. (…)
(Ngã ba Đồng Lộc – Huy Cận)
Tôi đã từng nghe những câu thơ của Huy Cận về Ngã Ba Đồng Lộc viết năm 1971, ngay trong khói lửa chiến tranh. Quay trở lại nơi đây sau khoảng thời gian 13 năm, chốn xưa còn đó nhưng cảm xúc muốn tìm lại không được như xưa. Chỉ có niềm kính ngưỡng những con người anh dũng mở đường vẫn còn nguyên vẹn.

Buổi chiều 17/8, sau khi giao lưu cùng thầy cô trường chuyên Hà Tĩnh, đến hơn 15 giờ đoàn trải nghiệm thực tế của 11V – k.18 mới xuất phát đi Ngã Ba Đồng Lộc. 4 cô giáo trường bạn tình nguyện làm hướng đạo, đánh xe con đưa đoàn đi. Xe khởi hành, thầy nói với trò: chuẩn bị khăn lau nước mắt nhé! Trời âm u, bất chợt lại nhẩm lời những bài hát nổi tiếng Chào em cô gái Lam Hồng, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh… đã theo mình suốt bao năm tháng! Nhớ thời điểm lần đầu đoàn cán bộ – giáo viên trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đến thăm, ngã ba Đồng Lộc còn ngổn ngang lắm, tượng đài lúc đó đang hoàn thiện. Còn giờ thì đường tới Đồng Lộc láng nhựa êm ru, khuôn viên trồng đầy cây xanh, và tổng thể khu di tích tưởng niệm TNXP Hà Tĩnh được xây dựng khang trang. LÀm thủ tục, đặt vòng hoa viếng liệt sĩ TNXP xong là cả đoàn được mời vào phòng rộng xem phim về Ngã ba Đồng Lộc. Đèn tắt, màn hình hiện lên hình ảnh tái hiện cuộc sống và chiến đấu của quân và dân Đồng Lộc chống trả sự phá hoại điên cuồng của máy bay Mỹ. Bom rơi, những con đường bị cày nát, cả không gian rộng lớn loang lổ những hố bom sâu hoắm. Một cảm giác rùng mình nhẹ khi người xem như được sống trở lại với ký ức chiến tranh. Tất cả im lặng theo dõi, đến khi điện bật sáng, mắt học trò đều đã ngân ngấn. Bản thân mình cũng trải qua những đợt sóng cảm xúc mãnh liệt dâng nghẹn lồng ngực. Thuyết minh viên bắt đầu kể cho các em nghe về sự tích Mười O TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc. Giọng thuyết minh qua micro có phần hơi cường điệu cảm xúc, làm mình tiếc ngẩn ngơ nhớ lại cảm giác lần đầu tiên nghe thuyết minh khi đến cùng anh chị em giáo viên ở trường. Hồi đó, chất giọng mộc mạc, không có tăng âm truyền nguyên vẹn cảm xúc hơn. Người có cảm giác hụt hẫng nhiều hơn có lẽ là bác Hai của đám nhỏ – vì anh là người bám trụ mảnh đất này những năm tháng bom đạn ác liệt nhất, và đây là lần thứ 5 đến và nghe kể lại câu chuyện về những người một thời sống chết với mình. Trao đổi cùng đồng ngiệp trường chuyên Hà Tĩnh, có lẽ các cô cũng nhận ra sự hụt hẫng. Cũng đành thông cảm với nguwofi hướng dẫn thôi, vì một ngày tiếp không biết bao nhiêu đoàn khách, câu chuyện thuộc lòng, cố gồng cảm xúc lên rồi trở lại giọng bình thường, làm học trò chuyên Văn nghe xong cũng ngơ ngẩn vì chuyển đổi âm sắc nhanh quá!
Rời khỏi khu chiếu phim để ra hiện trường nơi các nữ thanh niên xung phong hy sinh, trời bắt đầu đổ mưa nặng hạt, ra khỏi xe, ai nấy cũng đều bị ướt nhưng không ai cảm thấy phiền hà. Ban quản lý di tích TNXP chuẩn bị sẵn sàng để đoàn dâng hoa bài bản. Lễ tưởng niệm trang nghiêm và hoành tráng, có đầy đủ văn điếu do cô hướng dẫn viên phụ trách. Không biết bao nhiêu đoàn đã đến đây, vòng hoa quây kín, nghi ngút khói hương thật thiêng liêng. Lần đầu tiên mình làm trưởng đoàn, đứng đầu hàng, đội hình lớp mặc áo đỏ đứng phía sau thành hai hàng ngang. Tiếng nhạc Hồn Tử sĩ cất lên làm tim ai cũng nghẹn lại và mắt cay sè… Không ai lúc đó làm việc riêng, vì dường như cảm nhận được tính chất thiêng liêng của nghi lễ.
Tiếp tục sang khu tưởng niệm Mười O thanh niên xung phong Đồng Lộc hy sinh anh dũng vào tháng 7/1968, phía trước là hố bom còn giứ lại làm chứng tích, nhưng xung quanh trồng rất nhiều cây xanh, tạo nên một quần thể thiên nhiên khá hài hòa. Tiếp tục lần thứ hai những nghi lễ diễn ra ở phía trước, dâng hương và nhận hoa cúc trắng đặt trước mộ Mười O. Với mình, cảm xúc khi đứng trước những ngôi mộ quét vôi trắng thật đặc biệt, khiến nhớ lại kỉ niệm cũ trong lần viếng trước. Lúc đó, khu một đơn sơ hơn nhiều và xung quanh còn trống trải, đậm dấu tích chiến tranh ở màu đất đỏ bị cày xới, và không khí lúc đó chập choạng, gió lộng len , mình cảm giác nhớ như in hình như các O về khi luồng lạnh chạy theo sống lưng. Còn giờ thì mưa, hương khói va hoa cúc cắm trên từng chiếc bình nhiều hơn, không phải đặt trước mộ như trước. Nhưng có điều làm mình khó chịu khi có ai đó tới trước làm việc rải tiền lẻ 1000, 2000. Nước mưa làm tiền bết trên thành mộ thật phản cảm, Nghi lễ ấy thuộc về tâm linh, nhưng không phải là nghi lễ dành cho những anh hùng liệt sĩ!
Ra khỏi khu tưởng niệm, qua thăm sa bàn điện tử, cũng đã khá muộn, phía trước có đứa bé bán sim vẫn chờ đoàn ra, nài nỉ mua một túm sim rừng. Thằng bé, gầy gò, đi chân trần, làm lòng mình thắt lại. Bác Hai có lẽ cũng nhận ra, nhanh chóng đến, cho thằng bé 10 ngàn và bảo: cho con, giờ con về đi, trời mưa đưng đi bán nữa… Sang khu trưng bày di tích, cả đoàn vào xem mô phỏng sa bàn điện tử. So với trước, làm quy mô hơn và mang tính tự động cao hơn. Tuy nhiên, lại không phải lời thuyết minh trực tiếp mà lại mở nguyên lời trong… bộ phim tài liệu Ngã Ba Đồng Lộc đã xem ban đầu. LẠi có cảm giác hẫng hụt, khi lạm dụng công nghệ nghe nhìn mà làm mất đi bao xúc cảm của người đến viếng thăm. Với học trò, nghe lại có lẽ cũng có ích, nhưng xem ra cách làm này về lâu về dài phản tác dụng.
Cả đoàn chụp hình lưu niệm cùng cô giáo tổ trưởng tổ Văn Trần Thị Lam và những cô giáo của trường chuyên Hà Tĩnh, những đồng nghiệp quý mến của mình, một cô giáo giàu tâm huyết và đầy trăn trở với văn chương, với quê hương. Có một cảm giác chung của đoàn là vẫn lưu luyến, nấn ná, nhưng thời gian không cho phép. Tạm biệt Hà Tĩnh, cả đoàn quay về Nghệ An. Trời bỗng đổ mưa như trút, khu di tích Đồng Lộc lùi xa, những trận địa pháo, những máy bay, những sự tích lùi lại đàng sau, nhưng ấn tượng về mảnh đất Hà Tĩnh kiên cường, con người Hà Tĩnh anh dũng trong chiến tranh vẫn đọng lại rất sâu! Và cảm nhận về mảnh đất và con người Hà Tĩnh hiện tại trong lòng thầy trò lớp Vk18 cũng rất ấm nồng, chân thành và mến khách. Hẹn một ngày quay lại, Hà Tĩnh mình ơi…!

Bình luận về bài viết này