Album ảnh

SUY NGHĨ VỀ LÊ ĐẠI CANG


(Bài đăng kỷ yếu hội thảo khoa học về danh nhân Lê Đại Cang 1.2013)

Vả, vì nước quên nhà, vì việc công quên việc riêng là tiết tháo của kẻ làm tôi…”

(Lê Đại Cang, Lê thị gia phả)

Lê Đại Cang (1771 – 1847) để lại trước tác cho đời sau quá ít ỏi, dù rằng theo ghi chép của Quốc sử quán triều Nguyễn, ông nổi tiếng vừa là một võ tướng vừa là người “hào mại phóng dật”, ưa thích thơ văn và có ba tập thơ (Tỉnh ngu, Nam hành, Tục Nam hành) để lại. Tiếc rằng, không biết có còn tập nào lưu lạc trong các kho thư tịch cổ hay không. Chỉ còn lại những dòng ngắn ngủi về hành trạng, quan niệm của chính ông trong Lê thị gia phả mà thôi. Tuy nhiên, cũng hiếm có một cuốn tộc phả nào mà lại khiến người đọc cảm nhận rõ chân dung đầy cá tính của người viết đến vậy!

Cả đời phụng sự cho một vương triều Nguyễn Gia Miêu, ông hoàn toàn tự hào chữ Trung mà không phải là hạng ngu trung cuồng tín, nên không khỏi bị trách phạt, lên voi xuống chó nhiều lần vì sự chính trực của mình. Nhưng một người luôn biết lấy đại sự làm trọng, không câu nệ tiểu tiết, như chính ông bộc bạch trong Lê thị gia phả: “vì nước quên nhà, vì việc công quên việc riêng là tiết tháo của kẻ làm tôi” thì Lê Đại Cang thể hiện hết có cái khí độ của bậc chính nhân quân tử giữa bao thăng trầm thế sự vậy.

Ông sinh trưởng trong gia đình nền nếp gia phong, rèn đủ cả văn lẫn võ. Và thiết nghĩ câu “Minh sư xuất cao đồ” không phải là không có lý, ông từng học cả quan Thị giảng triều Tây Sơn, học Thượng thư bộ Lễ triều Nguyễn. Và chắc chắn Gia Long cũng biết nguồn gốc, dính dáng của Lê Đại Cang với chú ruột Lê Công Miễn – thượng thư của nhà Tây Sơn thù địch nhưng vẫn tranh thủ tận dụng nhân tài, thuận theo tiến cử mà dùng được Lê Đại Cang. Trải vòng hoạn lộ, vinh hiển có thừa nhưng lại nêu gương sáng giữ gìn nếp nhà, giữ mình theo khuôn phép nhà Nho. Ấy cũng đáng gọi là tướng có Thi Thư vậy! Trải qua các công việc chốn quan quyền, điểm qua một loạt chức qua ba đời vua triều Nguyễn thì cũng thấy rõ: chính thực tiễn đã giúp Lê Đại Cang thể hiện được tài kinh bang tế thế của mình. Hàm Thị lang, Tham tri Bộ Hình, Bộ Lễ, thăng đến Thượng thư Bộ Binh; làm từ Cai bạ đến Tổng trấn, Tổng đốc, Tuần phủ, Tham tán đại thần và kết thúc nghiệp quan với chức Bố chánh sứ. Về lại cố hương, không hẳn là vinh hiển tột bực, mà chỉ với lòng thanh thản của người không làm nhục mệnh vua, giữ nếp nhà chăm gia tộc và sự nghiệp học hành của quê hương, cũng là một người đi trọn con đường của bậc trượng phu.

Người cùng thời và cả hậu thế đều gọi ông là một “nho tướng”. Danh hiệu ấy chỉ dành cho những ai thấu triệt đạo lý, phương châm hành xử của kẻ sĩ phong kiến, văn võ toàn tài. Toàn bộ công nghiệp của Lê Đại Cang được người đời sau biết tới chủ yếu là dưới thời Minh Mạng (1820 – 1840). Làm quan cho nhà Nguyễn phụng sự qua ba đời vua nhà Nguyễn: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, một triều đại đề cao tư tưởng Tống Nho, đặc biệt trải qua bao vinh nhục dưới triều Minh Mạng, thiết tưởng cũng nên thấy được ảnh hưởng của ông vua này đến những thăng trầm trong đời của Lê Đại Cang! Minh Mạng được biết đến như một trong những ông vua giỏi nhất triều Nguyễn, với những quyết sách tạo nền tảng vững chãi cho một vương triều mà đến giờ việc đánh giá công- tội của giới học giả chưa hẳn đã thống nhất với nhau. Ông vua này dùng nhiều người tài trong chủ trương “trị quốc, bình thiên hạ”. Và cũng vì những tham vọng của nhà Nguyễn muốn khẳng định vai trò mà trong đối nội và đối ngoại cũng không hiếm người tài đã phải ngậm ngùi khi thăng giáng trong bể hoạn, chỉ vì trái ý bậc quân vương ưa thích đường lối pháp trị này! Thời Minh Mạng có nhiều cố gắng củng cố hình ảnh vương triều trong mắt dân chúng, bằng các chính sách khai khẩn điền địa, đắp đê ngăn lũ cũng như chứng tỏ sức mạnh trấn áp “chư hầu” bằng lực lượng quân sự. Vương triều ấy không thể không cần đến những người có tài kinh bang tế thế, văn võ song toàn như kiểu Trương Minh Giảng, Nguyễn Công Trứ, Lê Đại Cang. Và cũng thật thú vị khi nhìn vào tiểu sử của các nhân vật chủ chốt góp phần củng cố quyền lực tối thượng của ông vua này, tất cả đều chung cảnh “Vào trường danh lợi vinh liền nhục – Trong cuộc trần ai khóc trước cười” (Nguyễn Công Trứ).

Riêng Lê Đại Cang, điểm lại trong “Lê Đại Cang niên biểu” lại có phần đặc biệt thú vị so với các quan đồng triều: vốn xuất thân từ mảnh đất Bình Định, dòng dõi có người từng làm quan to cho Tây Sơn là ông chú Lê Công Miễn, thượng thư triều Cảnh Thịnh. Nếu như thế tổ Nguyễn triều Gia Long dùng ông còn có chút phân vân thì đến Minh Mạng dùng ông như là một trong những rường cột nước nhà, chính điều này ảnh hưởng quyết định đến một người như Lê Đại Cang để suốt đời theo đuổi lý tưởng “trí quân trạch dân” (giúp vua đem lại an vui cho nhân dân). Điểm lại sự kiện năm 1831 – 1832, khi ông làm Quyền Tổng trấn Bắc thành, nổi tiếng là chính sự giỏi mà vẫn bị dân kiện cáo, một lời của vua Minh Mạng chứng tỏ cái nhìn của nhà vua với đại thần thật tinh tường: “Ngươi làm việc nhanh, giỏi. Trẫm đã chọn biết. Việc tiểu dân kiện, xét là kiện vu, thì tâm tính của ngươi đã rõ rồi. Đại thần vì nước, nên hết sức làm việc nên làm” (Quốc triều chính biên liệt truyệnTruyện Lê Đại Cương – Cao Xuân Dục). Ghi chép cẩn thận của vị Tổng tài quốc sử quán triều Nguyễn cho thấy nhà vua biết nhận ra chân tài Lê Đại Cang. Đó cũng là ghi nhận cả một quá trình ông đã dốc sức bình ổn bờ cõi phía Nam dưới trướng tả quân Lê Văn Duyệt, tận tâm trong việc nhận lãnh Khâm sai đê điều ở Bắc thành, nghiêm cẩn như thế nào! Một người như Minh Mạng vốn không ưa tả quân Lê Văn Duyệt mà vẫn dùng người của tả quân với sự tin tưởng cao, đó cũng là lý do vì sao sau này cũng chính Minh Mạng dùng ông trấn áp cuộc tạo phản của Lê Văn Khôi – con nuôi của tả quân. Chắc chắn ông vua này không hề nghi ngờ về lòng trung thành của Lê Đại Cang với vương triều.

Nhìn vào võ nghiệp của Lê Đại Cang quả thật hiển hách và cũng lắm thăng trầm. Có khi ở đỉnh cao chót vót, có lúc lại bị cách tuột hết mọi chức tước để làm anh lính khiêng võng. Có lẽ vì vậy mà khi hồi hương, ông cũng chỉ đem về thanh đại đao từng vào sinh ra tử và cái đòn khiêng võng như một dấu ấn khó phai trong đời làm quan của mình! Dù ở cương vị nào, vẫn một lòng tận trung báo quốc, không oán thán quân thân nửa lời, chỉ răn mình và con cháu bằng những vật kí thác tâm sự, đó cũng là cách hành xử độc đáo của vị nho tướng vậy.

***

Trong Quốc triều hương khoa lục (NXB Thành phố Hồ Chí Minh – 1993) có ghi chép ở trang 169 – Lê Đại Cang là Hữu tham tri bộ Hình làm chủ khảo trường thi Thăng Long khoa Tân Mão (Minh Mạng thứ 12 – 1831) đã chấm cho Cao Bá Quát đậu cử nhân thứ 2, nhưng sau này bộ duyệt lại bài họ Cao, đánh xuống cử nhân rốt bảng. Xem ra thái độ trọng tài năng của Lê Đại Cang cũng là điều cần phải bàn thêm. Rõ ràng, giá như không có sự khắt khe giáo điều của thi cử nhà Nguyễn, con mắt tinh đời của Lê Đại Cang sẽ giúp cho nhà vua tìm thấy tài năng thật sự. Cao Bá Quát không chịu luồn cúi mà sau này khởi binh chống lại nhà Nguyễn, còn Lê Đại Cang dù chịu hàm oan bao lần vẫn phụng sự nhà vua. Cái án trảm giam hậu mà cả hai ông cùng từng bị dính dáng có thể cho thấy sự khắt khe đến nghiệt ngã trong chính sách của nhà Nguyễn với những kẻ tài năng mà khinh nhờn phép nước – thực chất là đối đầu với quyền lực nhà vua! Xem ra, cái mà nhà Nguyễn cần là sự phục tùng tuyệt đối, chứ không căn cứ vào công trạng lớn nhỏ của đại thần. Giả dụ Minh Mạng còn tại vị, không mất đột ngột và Thiệu Trị không dùng lại Lê Đại Cang, biết đâu ông đã rơi đầu vì sự chuyên chế của Minh Mạng để củng cố quyền lực quân vương. Xét ra, sự gia ơn lúc cuối đời thật chua chát cho một kẻ từng vào sinh ra tử cho vương triều như Lê Đại Cang, cứ xem các phẩm trật ban ơn của Thiệu Trị cho ông từ thất phẩm lên tam phẩm thì cũng chỉ vớt vát phần nào cho ông để gọi là quy điền viên khỏi tủi hổ. Về quê nhà, ông đã chuyên tâm vào việc xiển dương người tài một lần nữa, khi sáng lập ra Văn chỉ Trung Tín (Phước Nghĩa, Tuy Phước) sau này thành Văn chỉ Bình Định. Đó cũng là cái tâm lúc nào cũng trọng tài năng của Lê Đại Cang. Còn bản thân ông, khi gửi mình vào Giác Am tu tập thì đã nguội lạnh lòng trần thế rồi, chẳng còn tơ vương khanh tướng! Tiếc rằng không còn văn bản nào để thấy tâm sự của ông lúc cuối đời, khi đã về nghỉ tại quê nhà. Cái thời kháng chiến chín năm thiếu giấy khiến cho bao nhiêu di sản tinh thần tiêu tan theo khói thuốc vấn thay giấy quyến, bao nhiêu trang giấy chứa đựng trước tác tiền nhân mất mát, uổng phí lắm thay!

***

Trong đời Lê Đại Cang, nếu như có thử thách khiến ông cảm thấy canh cánh bên lòng trách nhiệm của kẻ làm tôi tận tụy thì chính là những sự kiện gắn với thời gian 1833 – 1838, ở phiên trấn Tây Nam, thực thi sứ mệnh “dẹp loạn bình phiên”, đầy vinh quang và cay đắng. Cái dũng của kẻ làm tướng sẵn sàng lấy “da ngựa bọc thây” chưa đủ để cho Minh Mạng tha tội khi quân dẫn đến án “trảm giam hậu” cay đắng! Cũng thật là trớ trêu khi chỉ trước đó, nhà vua còn tỏ ra tin tưởng, châu phê mấy chữ “lão đương ích tráng” khi ông dâng sớ tấu xin về hưu vào tuổi 65, thì chỉ một thời gian ngắn sau ông đã thành trọng phạm của triều đình chỉ vì “vượt quyền đại tướng” hòng lập công chuộc tội. Cái tội thực sự của Lê Đại Cang là gì? Rõ ràng không chỉ là trái mệnh vua thông thường mà chính vì ông đã không còn là lá bài chủ chốt giúp Minh Mạng thực hiện ý đồ thôn tính Chân Lạp – một chư hầu của Đại Việt thời bấy giờ. Xét ra, Lê Đại Cang đã làm mọi việc có thể để làm rạng danh thiên tử, theo đúng tinh thần Nho giáo, đối đãi với chư hầu: “Gây dựng lại những nước chư hầu đã bị diệt; đặt lên những người nối dòng cho những vị vua chết chẳng có con trai, cất dùng những trang tài đức đã đi ẩn dật; người trong thiên hạ đều đem lòng quy phục” (Luận ngữ, Nghiêu viết, tiết 1). Thế nhưng có lẽ Minh Mạng không muốn noi gương Nghiêu Thuấn với chủ trương “đức trị” mà muốn trấn áp bằng chính sách cứng rắn, nên những gì Lê Đại Cang làm cho ông ta cần mà chưa đủ thể hiện uy quyền. Chắc chắn Lê Đại Cang, một người giỏi chính sự và luôn đề cao tài đức không thể không thấm nhuần tư tưởng đức trị để giáo hóa dân chúng, từ việc bình ổn Chân Lạp, đưa Nặc Ông Chân về, đến lập công chúa Ngọc Vân là đúng theo đạo Trung dung – về cách ứng xử của thiên tử với chư hầu: “Vua chư hầu nào thác mà chẳng có ai nối trị, thì mình đặt người tiếp nối; nước nào suy yếu, mình giúp cho hưng vượng; xứ nào loạn lạc, mình ủng hộ cho được bình yên; xứ nào khuynh nguy, mình giúp cho được vững vàng; tự mình sắp đặt thời hạn (cho chư hầu) đến chầu và dâng lễ sính; mình phải đáp lại một cách trọng hậu đối với những lễ vật mà người ta tặng cho mình. Đó là cách bảo hộ các nước chư hầu” (Trung Dung, chương 20). Tuy nhiên, trong thời điểm này đã không còn thích hợp với đường lối bành trướng nước lớn của Minh Mạng. Ông vua này đã phạm phải điều đại kị của sách Nho: “Bất nhân chi đắc quốc giả, hữu chi hỹ. Bất nhân chi đắc thiên hạ, vị chi hữu giã (Kẻ bất nhân chiếm được nước, việc đó thì có. Chứ kẻ bất nhân mà thâu đoạt thiên hạ, việc đó chưa từng xảy ra vậy ) – (Mạnh Tử, Tận Tâm – hạ, tiết 33). Đối chiếu với một loạt thuyết lý trị quốc tng sách Nho để thấy rằng Lê Đại Cang đã thành vật cản trên con đường thực thi chính sách nước lớn của ông vua chuyên chế Minh Mạng. Đó mới thực sự là mối nguy vì kẻ chống lại đường lối của vua lại là kẻ có tài. Bề tôi không rõ phận sự, lại tỏ ra bất tuân, tất nhiên phải dồn vào đường chết để cảnh cáo! Dù cho kẻ đó có là công thần cũng khó thoát khỏi cái chết – chí ít là về mặt sự nghiệp tan tành theo mây khói! Oan uổng và uất ức thế, nhưng Lê Đại Cang vẫn giữ tiết tháo của kẻ làm tôi, đáng nể thay!

Xét hành trạng một đời của Lê Đại Cang, trong bổn phận của kẻ làm tôi, một đại thần với trọng trách vinh quang ổn định dân sinh Bắc thành, giữ phên giậu bờ cõi phía Nam, phụ trách lễ nghi bang giao với nước lớn Trung Hoa, đều tận tâm gắng sức, đúng với phương châm hành xử của kẻ sĩ: “Lập hồ nhân chi bản triều nhi đạo bất hành, sỉ dã” (Làm quan lớn ở triều đình mà để đạo lớn không được thi hành, thì đó là điều sỉ nhục) – (Mạnh Tử, Vạn Chương – hạ, tiết 5). Đạo lớn ở ông là ổn định nhân tâm, giáo hóa đúng phép tắc đạo Nho một cách nghiêm cẩn, không nề hà địa vị chức tước lớn nhỏ. Đối chiếu với thời nay, đó chẳng phải là bài học mà chủ tịch Hồ Chí Minh rút tỉa từ Nho giáo để xây dựng đội ngũ cán bộ: “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, chí công, vô tư” hay sao? Bản thân Lê Đại Cang có lẽ cũng thấm thía những điều cay đắng chốn quan trường nên chủ động lui đàng sau danh lợi, trở về quê hương với tấm lòng thanh thản. Những gì mà ông để lại cho hậu thế đâu phải chỉ là noi chí tổ tiên vun vén gia tộc. Cái lớn của một nhân cách toàn tâm toàn ý cho đất nước, vun vén chăm lo tài năng và tận tụy báo quốc khiến ta không khỏi ngậm ngùi nhưng cũng càng thêm kính phục ông. Ông đã chọn con đường xuất xử đúng như trong sách Mạnh Tử: “Ta thường nghe nói: người làm quan nếu không thể làm tròn chức vụ mình, thì nên thôi. Người có phận sự can gián vua, nếu khuyên can chẳng được, thì nên thôi” (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu – hạ, tiết 5) nhưng phải đến đời Thiệu Trị mới thỏa tâm nguyện, trở về cũng đã qua tuổi bảy mươi, may còn chút thời gian dành cho riêng mình và quê hương vỏn vẹn mấy năm cuối đời. Lập công – lập đức – lập ngôn của ông khiến người đời sau nể phục. Tiếc thay, một người như vậy, chỉ còn vỏn vẹn Lê thị gia phả kí thác cho con cháu, khó cho hậu nhân hình dung đầy đủ một tầm vóc một chân dung đầy đủ. Đọc những dòng tâm sự của ông trong Lê thị gia phả, vào năm minh Mạng thứ 17, ít nhiều ta nhận ra một cốt cách, một khí khái đậm chất con người Bình Định: “Vâng mệnh ra Bắc vào Nam; dong ruổi không dừng, phàm những nơi đã trải qua đều là cảnh tượng yên ổn, bởi tôi không tính chuyện sắc bén hay cùn lụt, làm công việc mở đường, ngừa mong (cho đời) phán xét, miễn đừng để tai tiếng cho dòng họ mặc dù con đường làm quan cay cực” (Lê thị gia phả – Vũ Ngọc Liễn dịch). Một lời để lại, ta khâm phục biết bao con người đầu đội trời, chân đạp đất xứng danh bậc đại trượng phu, làm rạnh danh dòng họ Lê của Luật Chánh, Phước Hiệp, Tuy Phước, Bình Định!

Quy Nhơn, tháng 1 năm 2013

Th.s TRẦN HÀ NAM

——–.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1 – Lê Đại Cang và Lê thị gia phả – NXB Dân trí 2011

2 – Nho giáo và Đạo đức – Vũ Khiêu chủ biên, NXBKHXH, Hà Nội, 1995

3 – Quốc triều Hương khoa lục – Cao Xuân Dục, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1993

4 – Tuyển tập Cao Xuân Dục, tập 5 – Đại Nam chính biên liệt truyện, NXB Văn học 2004

Bình luận về bài viết này