Album ảnh

Hành trình trải nghiệm trên quê hương Bình Định

This gallery contains 18 photos.


Hôm nay lại tiếp tục một hành trình trải nghiệm cùng Vk24. Lộ trình là Tuy Phước – An Nhơn – Tây Sơn, những yếu tố địa văn hóa gắn với các tên tuổi trong phong trào Thơ Mới tại … Tiếp tục đọc

Riêng lẻ

BÌNH THƠ:

Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh (Chế Lan Viên)

Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu

Đánh trận giặc cờ lau.

Thế mà không đâu

Gặp Thập Nhị sứ quân đầu rừng cuối quận

Thành ra người dẹp loạn

Rồi làm tướng làm vua

Lắm chuyện nhức đầu

Cho tôi về với cành lau

Vàng vọ

Về với con trâu nghé ngọ

Có cặp sừng bỡ ngỡ

Chiều buồn không biết cọ vào đâu?

Đã lâu không nghe hồn lau nữa

Xa tiếng gió xạc xào

Xa mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ…

Chỉ nghe danh vọng ầm ào

Vinh quang xí xố

Hoa Lư ở đâu?

Hoa lau ở đâu?

Hồn lau ở đâu?

Hồn ta ở đâu?

1988

Chế Lan Viên

“Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu…”, cuối cùng thì Chế Lan Viên đã trở về với mặt đất, với không gian làng quê, với con trâu giữa bạt ngàn hoa lau dân dã. Nhưng không phải trở về làm chú mục đồng nghêu ngao vô tư, vẫn còn đó một ý thức về bản thân – nhà thơ! Để lại tiếp tục làm một hành trình siêu tưởng hóa thân thành vua Đinh thuở chăn trâu cắt cỏ “đánh trận giặc cờ lau” mà nói chuyện của thời đại mình…

Hành trình trở về ấy hơn nửa thế kỷ, từ buổi ban đầu cậu học sinh mười bảy tuổi đã tự nhận mình mang tiền kiếp dân Chàm khóc than cho một dân tộc “điêu tàn”, ngạo nghễ “ta nằm ở giữa cân trời đất – khối ngọc chưa nghiêng một hướng nào”! Đến thời Cách mạng tháng Tám, Chế đã hòa vào dàn đồng ca thời đại, phủ nhận quyết liệt cái Tôi lãng mạn, sung sướng và tự hào “Ta là Ta mà vẫn cứ mê Ta”! Để rồi sau bao thăng trầm biến động, ngơ ngác trở về tìm con người bản thể, ông chợt nhận ra sau bao năm tháng cất giọng hùng tráng và say sưa, mình đã mất đi bao hồn nhiên thuở cũ! Khi con người chạm ngưỡng ranh giới sống – chết thường sống thật với lòng mình nhất, để nói những lời thành thật. Xét ở phương diện này, nhà thơ có thể không hổ thẹn với những gì mình viết ra vì tất cả đều là thật. Thời “Điêu tàn”, Chế đã ngoảnh nhìn quá khứ để ngẫm về một thân phận trong sự tồn vong của một dân tộc để tiếc thương hoài niệm; chặng đường từ “Ánh sáng và Phù sa”, Chế đã nhập vào hiện thực máu lửa anh dũng của chính dân tộc Việt mình, trong tư thế “nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy” để viết những vần thơ như mũi chông hòn đạn nhắm thẳng quân thù, không ngẫm ngợi nhiều cho sống – chết của cá nhân; và khi cuộc sống trở lại bình an, Chế mới thật sự có những phút giây sống cho riêng mình, sau khi đã qua bao trải nghiệm bể dâu:

Thế mà không đâu

Gặp Thập Nhị sứ quân đầu rừng cuối quận

Thành ra người dẹp loạn

Rồi làm tướng làm vua

Lắm chuyện nhức đầu

Rốt cuộc, bao nhiêu năm đóng vai kẻ khác, cuốn theo thời cuộc, thói quen ấy không dễ bỏ ngày một ngày hai nên kể cả khi quay lại “chầm chậm tới mình”, một lần nữa “nhà thơ cưỡi trâu” vẫn ngỡ mình là vua Đinh tìm về chốn cũ, tìm bạn mục đồng mà bỗng chốc thấy bơ vơ vì đã quá xa thuở hàn vi dân dã. Có còn tìm lại được gì chăng?

            Thì vẫn còn đó, vẹn nguyên: cành lau vàng vọ, con trâu nghé ngọ, tiếng gió, mùi bùn, mùi trâu, rơm rạ… Những hiện hữu của một thời quá vãng giúp kẻ trở về thảng thốt nhận ra mình đã quá vô tình! Như vua Đinh mải mốt trận mạc, mải dẹp loạn, làm tướng, làm vua không một phút rảnh rang trên hành trình bước lên đài danh vọng. Khi phải bận tâm “lắm chuyện nhức đầu”, thì có phút rảnh rang nào nhớ chút hương xa đồng nội!

            Ôi cái thuở “nhà thơ cưỡi trâu”, mới đẹp mới đáng luyến tiếc làm sao! Được thả mình mơ chiến trận oai hùng một cách hồn nhiên, giắt cờ lau để chúng bạn công kênh thán phục. Có con trâu bầu bạn, hát nghêu ngao, chuyện trò thủ thỉ, người và vật quyến luyến thân thương. Còn lúc trở về tìm lại, chợt nao lòng:

Cho tôi về với cành lau

Vàng vọ

Về với con trâu nghé ngọ

Có cặp sừng bỡ ngỡ

Chiều buồn không biết cọ vào đâu?

Không gian hiu hắt ngàn lau xào xạc, cả buổi chiều tiếng “nghé ngọ” vọng khắp như tìm kiếm lơ ngơ, đứa trẻ mục đồng năm xưa mải chơi lưu lạc phương nào để “cặp sừng bỡ ngỡ…không biết cọ vào đâu”? Có một tiếng nói nội tâm thôi thúc giục giã “cho tôi về…”, về để tìm lại chính mình của một thời xưa ấy! Khoảnh khắc hoài vọng ấy để chợt nhận ra tất cả “đã lâu…”, đã xa… đã cuốn đi tất cả những gì một thuở là của mình…

Như vua Đinh bị bao quanh bởi “danh vọng ầm ào, vinh quang xí xố”, nhà thơ chợt nhận ra cái vô nghĩa lý của trò chơi quyền lực, chán ngán và mệt mỏi bởi chúc tụng, ganh ghét, bon chen. Đối cực tâm trạng được hình thành trong khoảnh khắc phân thân giữa quá khứ – thực tại. Liên tiếp là những câu hỏi mang tính chất tự vấn, kiếm tìm:

Hoa Lư ở đâu?

Hoa lau ở đâu?

Hồn lau ở đâu?

Hồn ta ở đâu?

Chất suy tưởng trong thơ Chế Lan Viên đã phát huy cao độ hiệu quả thẩm mĩ trong đoạn kết đầy trăn trở này! Nhịp thơ riết róng, khắc khoải trong điệp khúc “…ở đâu?” lan tỏa nuối tiếc day dứt. Và liên tưởng điệp trùng nối kết thành không gian lung linh thực – ảo: Hoa Lư – hoa lau – hồn lau – hồn ta…Những nỗ lực kết nối để trở về với đất cũ, cảnh xưa. Tìm lại hồn xưa, đẹp xưa là để tìm lại một thời rất đẹp của hồn ta. Mỗi lời thơ thấm thía cảm giác của một người đã đánh mất quá nhiều, nhưng đọng lại là phút như gặp lại chính mình. Trở về với bản lai diện mục, nghĩa là chưa đánh mất chính mình, âu cũng là hạnh phúc!

                                                            Quy Nhơn, ngày 2/12/2020                                                                  TRẦN HÀ NAM

Tôi chỉ là nhà thơ cưỡi trâu…

Vũ Ngọc Liễn – người nặng lòng với Đào Tấn và tuồng hát bội


Trong lịch sử hát bội Việt Nam, vị hậu tổ Đào Tấn (1845 – 1907) còn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống, đầy đủ. Chỉ đến khi hội nghị nghiên cứu Đào Tấn lần thứ I (1977) thì tên tuổi cũng như sự nghiệp của ông mới thật sự được chú trọng trong giới nghiên cứu, học thuật của nền văn học cách mạng. Người tiên phong trong việc khẳng định vai trò Đào Tấn chính là thi sĩ Xuân Diệu. Trong các cuộc hội thảo lần thứ II (1982) hội thảo lần thứ III (2001) các ý kiến đánh giá về Đào Tấn, các bài tham luận của nhiều học giả đã bổ sung thêm nhiều tài liệu quý báu. Thế nhưng hầu như sau các cuộc hội thảo ấy, thành tựu chỉ nằm trong các tập kỉ yếu hội nghị. Cụ Đào Tấn không có dịp đến với công chúng cả nước. Tại hội thảo lần thứ III, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn đã đặt vấn đề tập hợp công bố di cảo đồ sộ của Đào Tấn cũng như các kết quả nghiên cứu ban đầu, với dự định sẽ phải hơn nghìn trang viết. Nhưng rồi, không ai đủ kinh nghiệm, công sức cũng như niềm đam mê theo đuổi đến cùng việc nghiên cứu Đào Tấn như Vũ Ngọc Liễn. Vậy là vị lão tướng đã xấp xỉ bát tuần lại dồn hết tâm sức để làm một việc tưởng chừng như không tưởng, thực hiện đơn đặt hàng của Nhà nước để làm nên bộ công trình đồ sộ ba tập: Đào Tấn Thơ và Từ (in 2003), Đào Tấn Tuồng hát bội (in 2005) và Đào Tấn qua thư tịch (in 2006). Ròng rã bốn năm trời, khi bộ sách hoàn thành cũng là lúc ông nâng ly mừng thọ 82 tuổi!

vnl
Cảm động biết bao nhiêu công việc thầm lặng mà đầy ý nghĩa này. Cảm động biết bao nhiêu những lời tác giả ghi sau của cuốn sách, với sự khiêm tốn nhận lỗi sai sót trong quá trình biên khảo và lời tri ân : “Nhân dịp bộ sách Đào Tấn hoàn tất việc in ấn tôi xin ghi ơn những người đã có công đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào công trình nghiên cứu danh nhân Đào Tấn bao năm qua, trong số ấy nhiều người đã quá cố như anh Xuân Diệu, Hồ Đắc Bích, cụ Mạc Như Tòng, cụ Tống Phước Phổ, anh Đỗ Văn Hỷ… Tôi đặc biệt cảm ơn hai ông bạn vong niên Bùi Lợi và Mạc Côn đã cùng tôi lăn lộn sưu tầm tài liệu về Đào Tấn suốt thời gian dài. Cảm ơn cô Kim Hưng (Nhà xuất bản Văn học) đã giúp tôi chăm sóc bản thảo tập Thơ và Từ Đào Tấn in lần đầu ở Nhà Xuất bản Văn Học (1987). Cảm ơn ông bạn Nguyễn Thanh Hiện đã cùng tôi vật lộn với chữ nghĩa làm bản thảo tập Thơ và Từ Đào Tấn in lần đầu. Cảm ơn Ty Văn Hóa – Thông Tin Nghĩa Bình trước đây và Sở Văn Hóa Thông Tin Bình Định hiện nay luôn cổ vũ tôi hoàn thành công trình nghiên cứu về Đào Tấn. Cảm ơn Nhà xuất bản Sân khấu của hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam luôn đôn đốc và tạo điều kiện giúp đỡ tôi hoàn tất công tác biên khảo bộ sách này” (Ghi sau – Đào Tấn qua Thư tịch). Chúng ta hãy hiểu niềm cảm động biết ơn của một nhà nghiên cứu tuổi 82, đã không hề quên công những người đã giúp ông có dũng khí, niềm tin và sức lực cho một bộ ba tác phẩm đồ sộ về Đào Tấn. 
Điều đáng nói là sau khi công trình này ra đời, nhiều nhà nghiên cứu, các trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quy Nhơn, Đại học KHXHNV thành phố Hồ Chí Minh đã có thể có một cái nhìn tổng thể, toàn diện hơn về Đào Tấn, tiếp tục khai thác để cho sự nghiệp của danh nhân Đào Tấn thật sự hoàn thiện trong mắt mọi người. Đã bắt đầu có nhiều luận văn thạc sĩ ở Hà Nội, Quy nhơn, TP. Hồ Chí Minh có điều kiện khai thác sâu hơn về Đào Tấn, nhờ những tư liệu quý từ bộ sách. Nhiều sinh viên trẻ đã tìm đến với Vũ tiên sinh để cùng nhau nói về tuồng hát bội, về thơ và từ Đào Tấn, tham khảo những ý kiến của một người tuổi tác đáng cụ, đáng ông nhưng tấm lòng với Đào Tấn vẫn sôi sục nhiệt thành như tuổi đôi mươi. Đáng nể hơn là họ vẫn thấy ông cặm cụi biên soạn các công trình mới, phổ cập đến đại chúng những tài liệu vốn dĩ thường được lưu trong dòng tộc như gia bảo rồi dần dần mai một! Lần lượt những tài liệu “Chầu Đôi” (Trúc Tôn Phạm Phú Tiết) được chỉnh sửa hoàn thiện, “Góp nhặt dọc đường”, “Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu – ông đồ nghệ sĩ” của ông ra đời và được đón nhận nồng nhiệt. Đó là cái Tâm với tuồng, với cả bậc thầy của hậu tổ Đào Tấn, tấm lòng dành cho bậc cha chú đã dìu dắt ông vào nghề. Một con người như vậy, thật đáng kính. Có lẽ cũng chính từ tình yêu không mệt mỏi với nghệ thuật tuồng đã giúp ông vượt lên cả trận đột quị tai biến để hoàn thành tâm nguyện biên khảo về Nguyễn Diêu – thầy của hậu tổ hát bội Đào Tấn vào năm 2011 vừa qua.
nd
Một con người lao động bền bỉ, chỉ với một tâm nguyện đưa tên tuổi Đào Tấn, đưa nghệ thuật tuồng đến với công chúng hôm nay xứng đáng được ghi nhận công lao. Và biết bao người làm văn hóa nghệ thuật đã phải kính phục con người vượt lên chính mình, luôn học hỏi rèn luyện cầu thị để trở thành một nhà nghiên cứu tuồng hàng đầu Việt Nam. Không những thế, con người ấy luôn tỏ rõ sĩ khí trước những hành vi làm vấy bẩn bầu không khí văn chương, thẳng thắn lên tiếng trước những điều sai trái. Đáng trân trọng thay!
Vĩ thanh: vậy mà từ khi bộ ba công trình về Đào Tấn cùng với “Góp nhặt dọc đường” của tác giả Vũ Ngọc Liễn được đề cử giải thưởng Nhà nước như một ghi nhận công lao của người bền bỉ phấn đấu vì sự nghiệp bảo tồn và phát huy nghệ thuật tuồng hát bội, người góp phần không nhỏ đem Đào Tấn đến với công chúng thế hệ sau, đã có một số kẻ không  khỏi hận thù. Một vài bài báo trên những tờ chẳng liên quan gì đến văn chương học thuật như “Tài nguyên và Môi trường” và gần đây là báo “Tiền Phong” đã cho đăng những bài thóa mạ, vu cáo, xuyên tạc, xúc phạm tên tuổi của Vũ Ngọc Liễn, mà tên tuổi của người viết khiến người đọc ngơ ngác chẳng biết họ là ai! Rồi một vài trang mạng đăng lại, có những trang đăng hàng chục còm-men với lời lẽ đầy thù hận, hằn học mà không một lần dám chính danh. Tất cả những thông tin ấy đến tai anh em văn nghệ sĩ Bình Định, nhiều người nổi giận muốn tìm ra chân tướng những kẻ nặc danh ti tiện. Đã quá cũ rồi cái trò tung hỏa mù để tạo dư luận hòng cho hội đồng xét giải thưởng Nhà nước gác lại công trình của tác giả “có vấn đề”! Những luồng gió độc lởn vởn ấy có làm cho nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn bận tâm chăng? Gặp ông định hỏi, nhưng Vũ Tiên sinh dường như không chút bận lòng. Ông lại say sưa với ý định viết về Xuân Diệu, tìm hiểu về những người bạn văn tuyệt vời của Bàn Thành Tứ Hữu…
23.2.2012
TRẦN HÀ NAM 
hb